Hàng triệu người cao tuổi luôn than phiền rằng bị mất kiểm soát tiểu tiện như tiểu són, đi tiểu phải rặn nhiều hoặc rò rỉ nước tiểu dẫn đến gây mùi khó chịu làm ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ.
Hàng triệu người cao tuổi luôn than phiền rằng bị mất kiểm soát tiểu tiện như tiểu són, đi tiểu phải rặn nhiều hoặc rò rỉ nước tiểu dẫn đến gây mùi khó chịu làm ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ. Theo thống kê, ở Đức 30% người cao tuổi bị rối loạn tiểu, nữ gấp đôi nam; ở Úc thì tỷ lệ này cũng khoảng 36,6% và ở Nhật Bản là 52,5%, nữ mắc nhiều hơn nam. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể nhưng ngày càng có nhiều bệnh nhân than phiền về rối loạn tiểu tiện.
Rối loạn tiểu tiện là gì?
Rối loạn tiểu tiện là sự mất kiểm soát bàng quang, là bệnh rối loạn thường gặp và ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân, triệu chứng có thể từ nhẹ như rò rỉ nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi đến nặng như buồn tiểu là són tiểu không kịp đi nhà vệ sinh. Nếu rối loạn tiểu tiện ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của mình thì bệnh nhân nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị.
Rối loạn tiểu tiện là một vấn đề thường gặp khi về già
Các nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân thường gặp: Tuổi tác, phụ nữ tuổi mãn kinh, cắt tử cung, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, bí tiểu, rối loạn thần kinh.
Một số nguyên nhân khác: Ở phụ nữ mang thai, sự thay đổi của hormon và tăng khối lượng tử cung có thể dẫn tới hiện tượng són tiểu khi tăng áp lực ổ bụng đột ngột như ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra khi sinh con đường dưới, quá trình thai nhi đi qua có thể làm tổn thương cổ bàng quang, niệu đạo, các dây chằng nâng đỡ tử cung và bàng quang, các cơ sàn chậu dẫn đến hậu quả gây tiểu không tự chủ về sau.
Ngoài ra, việc sử dụng rượu, cà phê, trà, đồ uống chứa đường và carbonate; đồ ăn thức uống có vị cay chua; các thuốc điều trị tăng huyết áp, tim mạch, thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ… cũng là nguyên nhân dễn đến tiểu són.
Biểu hiện của rối loạn tiểu tiện
Đái són: Mất kiểm soát tiểu khi tăng áp lực ổ bụng (stress incontinence), rò rỉ nước tiểu khi tăng áp lực ổ bụng đột ngột như ho, hắt hơi, cười, tập thể dục hoặc nâng nhấc vật nặng.
Đái dắt: Bệnh nhân đột ngột cảm thấy buồn tiểu và đái ra mà không kịp ra nhà vệ sinh; bệnh nhân phải đi tiểu nhiều lần có khi đi tiểu suốt đêm; đái dắt có thể biểu hiện từ nhẹ như khi bệnh nhân bị nhiễm trùng tiết niệu cho đến nặng như bệnh lý thần kinh hoặc bị đái tháo đường.
Đái dầm: Là tình trạng bệnh nhân lúc nào cũng ra nước tiểu, nguyên nhân có thể hoặc do sức co của bàng quang yếu làm cho mỗi lần đi tiểu không ra hết nước tiểu hoặc có sự chèn ép ở đường ra của nước tiểu làm tồn dư nước tiểu trong bàng quang.
Rối loạn tiểu chức năng: Một số khiếm khuyết về tâm lý, trí tuệ có thể dẫn tới sự mất kiểm soát chức năng tiểu tiện.
Rối loạn tiểu hỗn hợp: Có trên hai loại rối loạn tiểu trở lên.
Khi nào phải đi khám?
Khi bệnh nhân cảm thấy rối loạn tiểu ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ, làm cho họ không thể tiếp tục công việc, hạn chế giao tiếp, ra vào nhà vệ sinh quá nhiều lần có nguy cơ ngã hoặc tiểu đêm nhiều lần mất ngủ suy nhược.
Các biện pháp kiểm soát và sử dụng thuốc
Việc điều trị rối loạn tiểu phải dựa vào kiểu rối loạn tiểu, mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp khác nhau, đầu tiên là sử dụng phương pháp ít xâm nhập nhất, nếu thất bại sẽ thay đổi sang phương pháp khác.
Kiểm soát hành vi, thói quen
Tập chức năng bàng quang: Tập kiềm chế đi tiểu khi buồn tiểu, khởi đầu mỗi lần cảm thấy buồn tiểu bệnh nhân cố nhịn tiểu khoảng 10 phút, mục tiêu là để giảm khoảng cách giữa các lần đi tiểu, cố gắng đạt khoảng cách giữa các lần đi tiểu từ 2 đến 4 giờ.
Đi tiểu đúp: Ở những bệnh nhân đái dầm, cần huấn luyện cho bệnh nhân cố gắng tiểu hết nước tiểu ở mỗi lần đi tiểu để không bị dỉ tiểu liên tục; đi tiểu đúp là sau khi đã tiểu xong đợi thêm vài phút nữa và tiếp tục tiểu lần nữa cho hết nước tiểu.
Đi tiểu theo lịch: Nghĩa là cứ hai giờ mỗi lần đi tiểu mà không cần phải chờ cho đến khi buồn tiểu.
Kiểm soát lượng nước uống và chế độ ăn: Để tái kiểm soát bàng quang, bạn cần kiểm soát và loại bỏ một số thói quen như không uống rượu bia, không sử dụng đồ uống chứa cafein, không ăn đồ ăn chua cay, giảm uống nước, có chiến lược giảm cân, tăng cường tập luyện thể dục...
Tập cơ đáy chậu
Bệnh nhân cần được huấn luyện tập tăng cường sức mạnh của các cơ đáy chậu giúp cho việc kiểm soát tiểu tiện tốt hơn. Bài tập Kegel là bài tập thường được sử dụng; tập mạnh các cơ đáy chập giúp kiểm soát tốt nước tiểu ở những bệnh nhân rò rỉ nước tiểu khi tăng áp lực ổ bụng và thậm chí cũng tốt cho những bệnh nhân khó kìm chế nước tiểu mỗi khi buồn tiểu. Để tập các cơ đáy chậu, bệnh nhân tưởng tượng mình đang cố gắng kìm chế đi tiểu, sau đó:
Co thắt các cơ sàn chậu, cố giữ trạng thái co thắt đó trong vòng 5 giây, sau đó thư giãn trong 5 giây (nếu thực hiện khó khăn thì khởi đầu bằng co thắt trong 2 giây và thư giãn 3 giây).
Cố gắng tập luyện để đạt trạng thái mỗi lần co thắt của cơ đáy chậu đạt10 giây, lặp lại 10 lần mỗi lần tập và tập mỗi ngày khoảng 10 lần.
Kích thích điện
Kích thích điện với điện cực đặt trong trực tràng hoặc âm đạo có thể làm tăng cường sức mạnh của các cơ sàn chậu, kích thích điện nhẹ nhàng giúp cho việc kiểm soát tiểu tốt hơn ở những bệnh nhân tiểu són do tăng áp lực ổ bụng và những bệnh khó nhịn tiểu khi buồn tiểu. Tuy nhiên, hiệu điều trị không thể thấy ngay được sau vài lần điều trị mà việc điều trị phải kéo dài vài tháng.
Kích thích điện làm giảm hoạt bàng quang, điện cực có thể đặt ở sau xương cùng hoặc kích thích thông qua đường đi của thần kinh chầy sau, liệu trình điều trị thường kéo dài.
Sử dụng các thiết bị phát ra xung điện siêu nhỏ và cấy vào trong da ngoài lớp cơ mông, có dây nối với các dây thần kinh cùng chi phối bàng quang, các xung điện làm giảm hoạt bàng quang.
Để xác định bệnh người cao tuổi cần được thăm khám. Ảnh: Trần Minh
Điều trị bằng thuốc
Thuốc kháng cholinergic: Các thuốc này làm giảm co thắt bàng quang, giảm được hiện tượng luôn có cảm giác buồn tiểu, giảm số lần đi tiểu. Các thuốc thường được kê toa là oxybutynin, tolterodine, darifenacin, fesoterodine, sollifenacin và trospium.
Migrabegron: Dùng để điều trị những bệnh nhân luôn có cảm giác buồn tiểu, đây là thuốc giãn cơ bàng quang và làm tăng sức chứa của bàng quang, giúp làm rỗng bàng quang tốt hơn mỗi lần đi tiểu.
Thuốc chẹn alpha: Ở những bệnh nhân đái dầm liên tục, thuốc này làm giãn cơ trơn cổ bàng quang và các sợi vùng tuyến tiền liệt giúp cho quá trình làm rỗng bàng quang tốt hơn. Các thuốc bao gồm: tamsulosin, alfuzosin, siodosin, terazosin và doxazosin.
Các estrogen dùng tại chỗ: Sử dụng các chế phẩm estrogen liều thấp tại chỗ, như dạng kem bôi trong âm đạo, các chế phẩm khác dùng đường niệu đạo và âm đạo giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện.
Tiêm xơ hóa tổ chức quanh niệu đạo: Tiêm các chất liệu vào mô quanh niệu đạo gây xơ hóa tổ chức giúp niệu đạo đóng kín hơn, tuy nhiên phương pháp này xâm nhập nhiều mà hiệu quả lại rất kém.
Tiêm Botulinum toxin typ A: Biện pháp này được sử dụng điều trị bàng quang tăng hoạt khi các biện pháp khác thất bại, người ta nội soi ống mềm qua niệu đạo và tiêm vào khoảng trên 30 điểm ở thành bàng quang trừ vùng trigger zone để gây liệt tạm thời cơ bàng quang, kết quả tiêm sẽ kéo dài 6 tháng và cần thiết phải tiêm lại.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi tất cả các biện pháp điều trị trên thất bại, tùy theo từng loại rối loạn tiểu tiện mà các bác sĩ lựa chọn các phương pháp phẫu thuật khác nhau như phẫu thuật treo cổ bàng quang, treo niệu đạo, cấy cơ thắt nhân tạo, thậm chí phẫu thuật làm rộng bàng quang. Các phẫu thuật đều có nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn, kết quả của phẫu thuật có khi không được như mong muốn của người bệnh.
Tự chăm sóc tại nhà
Khi bị rò rỉ nước tiểu, nhiều bệnh nhân cần phải có các biện pháp bảo vệ da như lau sạch bằng khăn, giữ cho luôn khô sạch; sử dụng tã, băng vệ sinh để kiểm soát rò rỉ tiểu, không nên bơm nước vào để rửa bàng quang vì sẽ làm giảm sức đề kháng tự nhiên của nó và có nguy cơ nhiễm khuẩn thêm; với người già cần chuyển chỗ ở lại gần khu vệ sinh; cải tiến nhà vệ sinh, sàn chống trượt, làm rộng cửa ra vào lắp thêm đèn trong nhà vệ sinh đảm bảo ánh sáng để đề phòng nguy cơ ngã; thậm chí còn phải dùng loại bồn cầu di động cho người già đi lại khó khăn.
BS. Bá Thức