Đã gần đến ngưỡng tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông tự nhận mình mới ngoài ba mươi, còn trai trẻ chán.
Đã gần đến ngưỡng tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông tự nhận mình mới ngoài ba mươi, còn trai trẻ chán. Mà quả vậy, khi tiếp xúc với Phùng Ứng, tôi thấy ở ông luôn toát lên tinh thần trẻ trung, năng động, hiện đại và khỏe khoắn, thậm chí còn hơn cả những trai trẻ ba mươi mà âu sầu thất bại. Những lần nhìn ông ngồi xếp bằng trên bãi cỏ, hướng dẫn chồng tôi, người bằng tuổi ông nhưng đang mắc bệnh nan y, bài tập thở, dùng khí như dưỡng dược chữa bệnh, rồi lần khác ông mở cửa xe hơi, bước ra vỉa hè, giơ cao hai tay, nhún nhảy một vũ điệu hài hước, trêu chọc chồng tôi đang ngó đầu qua cửa sổ khiến người bệnh đang cau có cũng bật cười... tôi đã nghĩ, phải sống như người đàn ông này thì không bệnh tật, khó khăn nào trong cuộc sống quật ngã được ông.
Ông Phùng Ứng.
Thời đất nước còn chiến tranh, ông Phùng Ứng khi đó mới ở tuổi đôi mươi, đã nhập ngũ năm 1963. Ông cầm súng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và dọc theo con đường Hồ Chí Minh lịch sử. Ông còn nhớ rõ, điều kiện sống khó khăn, khắc nghiệt khủng khiếp thời chiến đã hủy hoại sức lực của những trai trẻ “bẻ gãy sừng trâu” như thế nào. Hành quân nhiều ngày trong rừng, thực phẩm hết sạch, ông cùng đồng đội phải kiếm thức ăn trong rừng. Gặp được cây sắn rừng thì mừng húm, các ông đào củ lên luộc, chia nhau ăn, thậm chí đói quá, có người đồng đội của ông còn ăn sống cả lá sắn non. Ăn xong thì bị say đứ đừ, nôn thốc tháo. Khát quá, đi rạc cẳng mới tìm thấy một đoạn suối, chẳng ai bảo ai, các ông vội vàng vục mặt xuống dòng nước mà uống cho thỏa cơn khát. Đến lúc uống no bụng rồi mới cảm thấy nước có mùi tanh của máu. Ông ngẩng lên nhìn thì phát hiện một xác chết cách đó vài mét. Lúc đó muốn nôn ra cũng không được.
Ăn lá rừng, uống nước suối, làm bạn với muỗi, vắt rừng,... bấy nhiêu năm với những món ở rừng có một không hai đó, đã khiến ông cùng đa số đồng đội mắc chứng sốt rét rừng, bệnh ngoài da, bệnh đường ruột cùng nhiều thứ bệnh khó gọi tên khác. Ông Ứng còn nhớ, cứ mỗi lần tới trạm y tế của ta là các ông xin thuốc ký ninh, thuốc sát trùng cất như báu vật trong ba lô. Thậm chí khi không dám nổi lửa nấu nướng, ông đã dùng thuốc sát trùng pha thật loãng, uống vào để phòng bệnh khi phải ăn sống những thứ tìm được trong rừng, hoặc uống nước suối chưa đun sôi.
Ông Ứng giúp một gia đình người bạn đi thăm Cộng hoà Séc.
Ở chiến trường về, người nào cũng mang trong người đủ thứ bệnh, chưa kể căn bệnh tinh thần do dư chấn của chiến tranh âm thầm hủy hoại người cựu binh. Nhưng vốn là người có tinh thần lạc quan, luôn suy nghĩ tích cực, nên ông Phùng Ứng khi trở về với cuộc sống bình thường, đã luôn trân trọng, quý giá hơn tất cả những gì mà cuộc sống hòa bình mang lại. Giữ được mạng sống là điều quý giá nhất, là sự may mắn không phải người lính nào cũng gặp. Chính vì thế, ông Ứng cư xử với tất cả mọi người với lòng tốt không giới hạn, với tinh thần phấn chấn như chẳng có gì đáng lo trên đời. Quả vậy, chiến tranh là điều kinh khủng nhất, là thách thức ghê gớm nhất, mà ông đã trải qua rồi, thì tất cả những chuyện xảy ra trong thời bình, đều không thể so sánh. Nên ông Ứng luôn sống với thái độ trân trọng, biết ơn, hạnh phúc từng phút sống.
Sau khi từ chiến trường trở về, ông Ứng làm việc trong Bộ Ngoại Giao. Điều kiện sống của ông đã tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, căn bệnh sốt rét rừng thỉnh thoảng vẫn trở lại thăm ông bất chợt. Ông vẫn có thể chịu đựng nó, nhưng chưa có cách nào chữa dứt được bệnh.
Cho tới năm 1968, ông được cử sang nước bạn Tiệp Khắc, với nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ các du học sinh Việt Nam, các công nhân kỹ thuật Việt Nam trong quá trình học tiếng Tiệp để chuẩn bị cho chương trình học tập chuyên môn hoặc làm việc ở nước bạn. Với vốn tiếng Tiệp kha khá, ông Ứng còn phiên dịch giữa hai bên trong nhiều chương trình hợp tác khác. Điều kiện sống ở một nước châu Âu khá hơn nhiều so với ở Việt Nam còn chiến tranh, nhưng căn bệnh sốt rét rừng không buông tha ông, theo ông sang tận Tiệp Khắc, một nước Trung Âu cách xa Việt Nam cả hơn chục ngàn cây số. Khi ông Ứng bị sốt rét rừng quật ngã, các bác sĩ Tiệp Khắc đã yêu cầu ông nằm viện để chữa trị. Khi dứt sốt, người khỏe lên, ông Ứng muốn ra viện, nhưng các bác sĩ chưa đồng ý cấp giấy xuất viện cho ông. Họ muốn ông ở lại tiếp tục điều trị. Lần đó ông nằm viện suốt 3 tháng trời ở Tiệp. Bạn bè vào thăm cho ông đỡ buồn, đã đùa rằng, có lẽ bác sĩ Tiệp giữ ông lại để làm thí nghiệm về căn bệnh lạ từ xứ sở nhiệt đới gió mùa chăng? Nếu không thì tại sao họ giữ ông lại bệnh viện lâu đến thế.
Ông Ứng tại Liên hoan phim Karlovy Vary 2016 (Cộng hoà Séc).
Nhưng cũng chính trong 3 tháng trời nằm viện nhàn tênh đó, ông Ứng có thời gian ngẫm nghĩ thấu đáo về tật bệnh, về giá trị sống, về sự hữu hạn của đời người. Ông nghĩ, chiến tranh không giết được ông, nhưng không thể để cho tật bệnh tiêu hao cuộc đời ông theo cách này. Còn sống giờ phút nào thì phải sống khỏe, sống vui, sống thật có ích, chứ không thể sống vật vờ, làm cái gì cũng không tới.
Ra viện, ông quyết định thay đổi lối sống. Nói thì dễ vậy, nhưng đối diện với sự thay đổi lối sống, cũng khó khăn không kém gì đối diện chiến tranh. Trong chiến tranh ta cần tìm mọi cách chiến thắng kẻ thù, nhưng trong việc thay đổi lối sống, ta phải chiến thắng chính mình. Những thói quen, những điều ta ưa thích từ nhỏ tới giờ, ta ấp ôm nó ba chục năm trời, đâu có dễ bỏ đi? Phải có sự kiên trì và quyết tâm rất cao mới làm được. Những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày có hại cho sức khỏe, làm mất sức đề kháng của cơ thể, ông nhất định từ bỏ. Thay vào đó, ông ép mình theo một chế độ luyện tập khắt khe, để nâng cao sức đề kháng, loại trừ bệnh khó chữa.
Nhận thấy môn bơi có thể kích thích nhiều cơ bắp phối hợp nhịp nhàng nhất, ông chọn môn này và dành ít nhất một tiếng mỗi ngày đi bơi. Sau đó là tập yoga, thái cực quyền, các bài tập suối nguồn tươi trẻ. Ông tích cực học mở rộng và phối hợp hài hòa các bài tập với nhau, tùy theo sự phản ứng của cơ thể. Tùy theo thời tiết và hoạt động cá nhân mỗi ngày, ông lại điều chỉnh bài tập cho phù hợp, để cơ thể lấy lại cân bằng, tăng sức đề kháng.
Hơn ai hết, mình phải hiểu cơ thể mình. Ông Ứng cho rằng, nếu một ngày mình hoạt động quá sức, nghĩa là mình đã tiêu hao vốn sức khỏe, làm hụt sức đề kháng, mình cần bù đắp sức lực và tăng sức đề kháng bằng các bài tập, bằng điều hòa khí từ các bài thở, thông kinh lạc, khỏe gân cốt bằng bài tập Dịch cân kinh của Đức Đạt Ma... Khi căng thẳng đầu óc do công việc hoặc bị ốm do thời tiết thay đổi bất thường, cần biết thiền để thanh lọc độc tố, điều khí để giải tỏa bế tắc trong cơ thể.
Từ khi thay đổi lối sống, rèn tập nghiêm khắc với sự hiểu biết thấu đáo về chính cơ thể mình, ông Ứng không bị bệnh tật hành hạ nữa, thậm chí cảm cúm cũng không. Bạn bè cùng lứa với ông, người thì ra đi sớm, người thì bệnh tật, người mắt mờ chân chậm không lái được xe, nhưng ông Ứng một ngày lái xe gần ngàn cây số vẫn khỏe khoắn, nhẹ nhõm như đang ngồi uống nước trái cây trong vườn vậy. Khi nghỉ hưu, ông sang Cộng hòa Séc sống, giúp con gái việc kinh doanh, do ông có vốn ngoại ngữ tốt. Có lần đi khám bệnh định kỳ tại Séc, bác sĩ ở đây nói, nếu ai cũng như ông, hai chục năm nay không nằm viện ngày nào, thì bảo hiểm y tế lãi to!
Ngoài thời gian làm việc, ông dành mình cho bạn bè, giúp đỡ những người Việt tới Cộng hòa Séc công tác, du lịch hoặc định cư làm ăn. Với ai ông cũng tận tình giúp đỡ vô tư, với lòng tốt không giới hạn. Và ông giúp đỡ mọi người, vì ông vui được làm thế, chứ không mong đáp trả hay hàm ơn. Quả là một người hiếm gặp trên đời.
Kiều Mai