Kết luận các loại hải sản tầng nổi và vùng đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn khiến ngư dân miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh rất vui mừng vì lại có thể mưu sinh.
Cá biển được người dân kinh doanh trở lại tại chợ Hà Tĩnh
Sau một thời gian giám sát, lấy các mẫu hải sản xét nghiệm, ngày 20/9, Bộ Y tế kết luận các loại hải sản tầng nổi và vùng đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn, đem đến niềm vui cho ngư dân.
Tại chợ Hà Tĩnh, hầu hết những người buôn bán hải sản được hỏi đều phấn khởi, chị Lê Thị Hà, thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim đã từng bán cá lâu năm tại chợ Hà Tĩnh cho biết: "sau khi chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, hơn 10 hộ kinh doanh cá tại chợ Hà Tĩnh nghỉ vì không bán được cá, nhưng khi nghe tin kết luận của Bộ Y tế hải sản tầng nổi an toàn, chúng tôi rất mừng và tiếp tục kinh doanh hải sản để mưu sinh cho gia đình".
Ông Nguyễn Duy Hòa, Trưởng Ban quản lý chợ Hà Tĩnh cho hay: trước sự cố ô nhiễm môi trường tại khu vực bán hải sản, chợ Hà Tĩnh đìu hưu, vắng bóng người tiêu dùng, không ít hộ kinh doanh phải nghỉ bán hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Nhưng trước thông tin của Bộ Y tế, 2 ngày nay người kinh doanh, mua bán hải sản đã tăng trở lại, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân biết kinh doanh, chọn mua hải sản an toàn.
Lấy mẫu cá xét nghiệm tại Gò cá Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên
Không những người kinh doanh hải sản vui mừng mà những người trực tiếp đánh bắt hải sản cũng rất phấn khởi. Tại Gò cá xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, mới 7h sáng đã tấp nập kẻ bán người mua, ông Nguyễn Văn Quyết, người đã từng có hơn 40 năm bám biển chia sẽ: "Chúng tôi rất mừng vì biết được thông tin nước biển và cá ở tầng nổi an toàn, hy vọng những loài hải sản ở tầng nổi sau khi chúng tôi đi đánh bắt về sẽ được thu mua với giá hợp lý vì ngoài nghề làm biển chúng tôi không biết làm gì khác để nuôi sống gia đình".
Trước tình hình sự cố ô nhiễm môi trường, các sở ban ngành đã tích cực vào cuộc khắc phục sự cố môi trường biển. Riêng ngành Y tế đã có nhiều giải pháp tích cực như: chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát, lấy mẫu hải sản để kiểm nghiệm. Từ 27/4 đến 22/9 Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT) và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy 767 mẫu hải sản như: cá, ốc, sò, ghẹ, tôm, mực, sứa, bạch tuộc tại các xã Xuân Yên, Xuân Thành (Nghi Xuân); Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên); Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Hà, Kỳ Ninh (Thị xã Kỳ Anh) gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Đồng thời, tiến hành in ấn, cấp phát 28 ngàn tời rơi tuyên truyền về sử dụng hải sản an toàn cho người dân.
Bác sĩ Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: thời gian tới ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lấy các mẫu hải sản tại các cảng cá, bến cá khi có tàu về bờ, thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm khai thác được bóc dở từ tàu khai thác đưa lên bờ tiêu thụ, đặc biệt hải sản tầng đáy và trong vùng 20 hải lý để kiểm nghiệm. Cùng với đó là giám sát, lấy mẫu, kiểm soát an toàn hải sản được lưu giữ tại các kho đông lạnh; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng biết cách lựa chọn, kinh doanh, đánh bắt hải sản an toàn.
Bộ Y tế khẳng định: Đến nay, tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống tại tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng các loại hải sản: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực cá đuối, cá đục, bạch tuộc và các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý.
Thanh Loan
(Sở Y tế Hà Tĩnh)