Người hay nhuộm tóc thường hay than phiền về chứng đau khớp, chủ yếu là đau các khớp nhỏ và nhỡ như khớp bàn tay, khuỷu, gối, cổ chân.
Mái tóc nhuộm màu vàng kim hoặc đồng sáng hoặc hạt dẻ lại thể hiện thời trang và ấn tượng ở các bạn trẻ hay nhuộm đen mái tóc bạc lại giúp những người có tuổi trở nên tự tin và trẻ trung hơn. Tuy nhiên, làm đẹp cho tóc cũng có thể để lại một số tác hại nhất định...
Ảnh hưởng của thuốc nhuộm tóc tới bộ máy vận động
Người hay nhuộm tóc thường hay than phiền về chứng đau khớp, chủ yếu là đau các khớp nhỏ và nhỡ như khớp bàn tay, khuỷu, gối, cổ chân. Các biểu hiện đau khớp thường hay kèm theo các biểu hiện ngoài da như da đầu, da tay bị ngứa, nổi mụn nước, mặt và hai tay bị sưng vù, ửng đỏ, ngứa, chảy nước vàng, rụng tóc. Nguyên nhân là do trong thuốc nhuộm tóc có chứa paraphenylenediamin (PPD). 2/3 loại thuốc nhuộm tóc hiện nay đều chứa chất paraphenylenediamin, trong đó có khá nhiều sản phẩm dành cho duỗi nhuộm tóc chứa PPD vượt mức cho phép.
Nặng hơn nữa là các khớp bị sưng đau, khiến cho người bệnh đau đớn, đi lại khó khăn. Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Thụy Điển, những phụ nữ nhuộm tóc thường xuyên trong 20 năm hoặc lâu hơn sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp mạn tính cao gấp đôi so với người không nhuộm tóc. Ngoài ra, thuốc nhuộm tóc có thể gây nên bệnh xơ cứng bì toàn thể, một bệnh khớp khiến da mặt, da tay, thậm chí da toàn thân bị xơ cứng, dày lên khiến bệnh nhân mất khả năng diễn đạt cảm xúc trên gương mặt, có các biểu hiện tim mạch, thận, khớp... Một bệnh khớp khác cũng có thể xảy ra là bệnh Luput ban đỏ hệ thống.
Các biểu hiện đau khớp, sưng khớp cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh nan y, kết quả của nhiễm độc kéo dài thuốc nhuộm tóc. Đầu tiên là việc xuất hiện một số loại ung thư trên người dùng thuốc nhuộm tóc. Thực nghiệm cho thấy, paraphenylenediamin nếu dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc có thể gây ung thư da, ung thư vú. Các chất thuốc nhuộm tóc còn làm gia tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang, ung thư hệ tạo máu, u não - màng não - thần kinh thính giác... Người ta cho rằng, các chất trong thuốc nhộm tóc có thể thấm qua da đầu, vào máu gây ung thư máu hoặc u hạch bạch huyết. Tỷ lệ ung thư ở những phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này. Những phụ nữ sử dụng thuốc nhuộm tóc thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang cao gấp 2 - 3 lần người không nhuộm.
Lời khuyên với chị em thường xuyên ép, nhuộm, làm xoăn tóc
Nhuộm tóc là nhu cầu làm đẹp cần thiết nhưng không nên lạm dụng vì thuốc nhuộm tóc có nhiều tác hại cho tóc và sức khỏe. Chỉ nhuộm khi cần thiết. Những người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, viêm da cơ địa, hen, chàm, eczema, dị ứng thức ăn, thuốc... cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc nhuộm tóc. Tuyệt đối không dùng lại các thuốc mình đã biết chắc hoặc đã nghi ngờ là gây dị ứng. Nên thử thuốc trước khi nhuộm. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm thuốc nhuộm có nguồn gốc, uy tín. Trước khi nhuộm, nên thử một vùng ở mặt trong cánh tay và để 1 giờ nếu không có phản ứng gì mới tiến hành nhuộm lên tóc. Tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc. Tốt nhất là 3-6 tháng mới nhuộm một lần.
PGS.TS.BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc