Trước nay bác sĩ hay nói về nguy cơ loãng xương ở phụ nữ, vậy nam giới có bị loãng xương không? Xin cho biết nguy cơ ở nam giới là gì để phòng ngừa?
(Đỗ Ngọc Dũng - Bình Dương)
Nhiều năm nay, các nhà khoa học chỉ nghiên cứu loãng xương và kết luận gãy cổ xương đùi ở phụ nữ sau mãn kinh là hậu quả của loãng xương còn ở đàn ông thì không có kết luận nào. Nhưng sự thật khác với điều người ta nghĩ: có đến 1/3 các ca gãy cổ xương đùi và gãy xương đốt sống do loãng xương xảy ra ở đàn ông.
Cho đến gần đây, các nhà khoa học mới quy cho các trường hợp loãng xương ở đàn ông do một số bệnh lý, chẳng hạn tăng cortisone, bệnh lý đường ruột ảnh hưởng đến hấp thu canxi và vitamin D, mất canxi quá mức có hoặc không có sỏi thận, bệnh ung thư.
Loãng xương có liên quan đến giảm khối lượng và chất lượng xương, giảm đi sức cơ và tăng khả năng bị té ngã. Mặc dù tiến trình mất xương không gây chết người, nhưng sự tốn kém chi phí y tế và sự tàn phế do gãy xương có thể tác động lớn đến cuộc sống của người bệnh.
Loãng xương ở đàn ông là kết quả của sự giảm lắng đọng tạo ra mô xương mới, thường khởi đầu khi mức hormon testosterone giảm. Trong khi đó,sự loãng xương ở phụ nữ có liên quan đến giảm oestrogen. Sự khởi phát loãng xương ở nam giới chậm hơn nữ giới từ 10 - 15 năm.
Một nghiên cứu từ Hoa Kỳ đã cho thấy đàn ông ít nhận được sự điều trị loãng xương 50% so đàn bà. Ước tính nguy cơ bị gãy xương do loãng xương ở đàn ông tuổi trên 50 tăng lên 27%, cao hơn cả nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến.
Một số yếu tố liên quan đến loãng xương ở đàn ông theo thời gian: thừa kế di truyền (từ gen của người mẹ); mức thấp androgen hoặc testosterone theo sau chứng tinh hoàn nhỏ; hoạt động thể lực ít; hút thuốc lá; uống rượu; dùng ít canxi; rối loạn hấp thu canxi; giảm mức vitamin D.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ