Sốc nhiệt và kiệt sức do nhiệt rất nguy hiểm nếu không được xử lý nhanh chóng và hiệu quả. Sốc nhiệt và kiệt sức do nhiệt có thể xảy ra khi cơ thể quá nóng do thời tiết hoặc xảy ra khi chúng ta tập thể dục quá sức.
Sốc nhiệt thường xảy ra khi nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, tuy ít phổ biến nhưng rất nghiêm trọng.
Theo NHS Choices, sốc nhiệt có thể khiến não, tim, phổi, gan và thận làm việc quá sức, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Các chuyên gia cảnh báo kiệt sức do nhiệt hoặc sốc nhiệt có thể xuất hiện đột ngột - hoặc từ từ trong vài giờ hoặc nhiều ngày.
Các triệu chứng kiệt sức do nhiệt bao gồm:
- Đau đầu
- Chóng mặt, lú lẫn
- Mất cảm giác thèm ăn
- Đổ mồ hôi, da nhợt nhạt
- Chuột rút ở cánh tay, chân hoặc đau dạ dày
- Thở nhanh hoặc mạch đập nhanh
- Thân nhiệt trên 37 độ C.
- Khát nước
Các triệu chứng đột sốc nhiệt bao gồm da khô nóng, không đổ mồ hôi và thân nhiệt trên 40 độ C.
Bệnh nhân trong tình trạng này nên được chuyển đến nơi mát mẻ, nới rộng quần áo
Để bệnh nhân nằm xuống, nâng cao chân và uống nhiều nước.
Các chuyên gia cũng gợi ý nên làm mát da của bệnh nhân bằng nước lạnh hoặc gói nước đá nếu tình trạng của họ không cải thiện sau 30 phút.
Theo các chuyên gia y tế, cách tốt nhất để giữ an toàn khi nhiệt độ môi trường cao là chú ý tình trạng sức khỏe của người thân, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh và những người có tình trạng sức khỏe yếu. Đóng rèm cửa ở những phòng đối diện với ánh nắng để giữ nhiệt độ trong nhà thấp hơn ngoài trời, uống nhiều nước, không nên uống đồ uống có nhiều đường, cồn hoặc chứa cafein do chúng khiến bạn mất nước nhiều hơn.
Các chuyên gia cho biết mọi người không nên ở trong xe đóng kín, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nên tránh ánh nắng từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nên đi trong bóng râm, tránh hoạt động quá sức, thoa kem chống nắng và đội mũ nếu bạn phải đi ra ngoài.
BS. Tuyết Mai
(Theo Univadis/ Express)