Theo dinh dưỡng học cổ truyền, trong những ngày này, chế độ ăn uống cho trẻ nên tuân thủ theo nguyên tắc kiện tỳ, dưỡng tâm, ích trí, an thần.
Trong những ngày thi cử, các sĩ tử thường lâm vào tình trạng căng thẳng khiến cho việc ăn uống, ngủ nghỉ thường có nhiều bất cập, thậm chí có em còn bị mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, chán ăn, chậm tiêu...Bởi vậy, việc lo cho con em có một đời sống tinh thần thoải mái và một chế độ ăn đủ chất, giàu dinh dưỡng và cân bằng là điều quan tâm của các bậc phụ huynh.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, trong những ngày này, chế độ ăn uống cho trẻ nên tuân thủ theo nguyên tắc kiện tỳ, dưỡng tâm, ích trí, an thần. Một số món ăn-bài thuốc (dược thiện) dưới đây có thể là những gợi ý rất hữu ích cho các bậc phụ huynh.
Nước nấm linh chi tốt cho an thần.
Bài 1: Trứng chim cút 4 quả, hạt sen 15g, long nhãn 10g. Trứng chim luộc chín bỏ vỏ, hạt sen bỏ tâm, long nhãn rửa sạch. Tất cả cho vào nồi ninh trong 30 phút, chế thêm một chút đường phèn, ăn cái uống nước. Công dụng: Kiện tỳ ích khí, dưỡng huyết an thần, dùng cho những sĩ tử sắc mặt nhợt nhạt, mệt mỏi như mất sức, có cảm giác khó thở, mất ngủ, giấc ngủ hay mơ mộng, dễ hồi hộp, trí nhớ giảm sút, chán ăn, miệng nhạt, vcchất lưỡi nhợt... Trong bài, long nhãn và hạt sen là hai vị thuốc có công dụng dưỡng tâm an thần, phối hợp với trứng chim cút có tác dụng bồi bổ phủ tạng tạo nên tác dụng đặc thù của bài thuốc.
Bài 2: Não lợn 1 bộ, thiên ma 10g, hồng táo 4 quả. Thiên ma rửa sạch thái vụn, hồng táo bỏ hạt, não lợn loại bỏ màng và gân máu, tất cả cho vào bát, chế vừa nước rồi đem hấp cách thủy trong 2 giờ, cho thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: Khứ đầu phong, chỉ huyễn vựng (làm hết đau đầu và chóng mặt), bổ não ích trí, dùng cho những sĩ tử hay đau nặng đầu, ù tai, hoa mắt chóng mặt, tinh thần bức bối, dễ cáu giận, mặt đỏ, mắt đỏ, ngủ ít hay mê, đại tiện táo, tiểu tiện vàng đỏ, thích uống nước lạnh...Theo nghiên cứu hiện đại, thiên ma có tác dụng trấn tĩnh, giảm đau, chống co giật. Não lợn được dùng theo quan niệm “ lấy tạng bổ tạng” của y học cổ truyền.
Bài 3: Bạch chỉ 10g, bạch linh 30g, trần bì 8g, bán hạ chế 12g, ý dĩ 50g. Sắc bạch chỉ, bạch linh, trần bì và bán hạ trong nửa giờ rồi bỏ bã lấy nước ninh với ý dĩ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Khứ phong hóa đàm, giáng trọc chỉ thống, dùng cho những sĩ tử dễ đau đầu, mình mẩy nặng nề, đầu choáng mắt hoa, ngực bụng đầy chướng, hay có cảm giác lợm giọng buồn nôn, đại tiện lỏng nát, rêu lưỡi trắng dày, miệng nhạt... Trong bài, bạch chỉ có tác dụng ôn táo trừ thấp, giảm đau và làm nhẹ đầu óc; bạch linh kiện tỳ trừ thấp, định tâm an thần; trần bì và bán hạ chế hành khí kiện vị, táo thấp hóa đàm; ý dĩ bổ tỳ, trừ thấp. Các vị thuốc phối hợp với nhau tạo nên công năng khứ phong hóa đàm, giáng trọc chỉ thống.
Bài 4: Rùa 1 con nặng chừng 250g, bách hợp 30g, hồng táo 10 quả. Rùa làm thịt, bỏ mai, đầu và nội tạng, rửa sạch, chặt miếng; bách hợp rửa sạch, hồng táo bỏ hạt. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ trong hai giờ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong hai ngày. Công dụng: Tư âm dưỡng huyết, điều bổ tâm thận, dùng cho những sĩ tử hay đau đầu choáng, mắt hoa, ù tai, lưng đau gối mỏi, môi khô miệng khát, tâm trạng bồn chồn bất an, lòng bàn tay bàn chân nóng, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ... Trong bài, rùa có công dụng tư thận ích âm, dưỡng huyết bổ hư; bách hợp thanh tâm, tư nhuận, an thần; hồng táo bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần.
Bài 5: Thịt gà ác 150g, nhân sâm 10g, nhung hươu 3g. Thịt gà rửa sạch thái mỏng, nhân sâm tán vụn, tất cả cho vào bát, chế nước vừa đủ rồi đem hấp cách thủy trong 3 giờ, cho thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Song bổ khí huyết, cường tráng ích tinh, dưỡng huyết bổ não, dùng cho những sĩ tử sức khỏe suy yếu, mệt mỏi nhiều, sợ lạnh, hay đổ mồ hôi cả khi thức lẫn khi ngủ, đầu choáng mắt hoa, tâm phiền bất an, ngủ kém hay mộng mị, dễ hồi hộp lo sợ. Trong bài, nhân sâm đại bổ nguyên khí, dưỡng tâm an thần; nhung hươu bổ nguyên dương, ích khí huyết, cường tinh tủy; thịt gà ác bổ dưỡng âm huyết, tăng tinh sinh tủy, điều dưỡng ngũ tạng. Ba vị phối hợp với nhau tạo nên công năng bổ dưỡng khí huyết, điều hòa âm dương, cải thiện chức năng các tạng phủ.
Bài 6: Óc lợn 1 bộ, kỷ tử 15g, cả hai cùng đem hấp cách thủy rồi chế đủ gia vị, ăn nóng, mỗi tuần dùng 2 lần. Nếu cho thêm hoài sơn (củ mài) 15g, long nhãn 15g hấp cùng thì càng tốt. Công dụng: Ích thận dưỡng huyết, bổ não ích trí, làm tăng năng lực ghi nhớ. Đây là một trong những ví dụ điển hình của thuyết “dĩ tạng bổ tạng” (tạng phủ liệu pháp) của y học cổ truyền: lấy não bổ não. Theo đông y, não lợn vị ngọt, tính bình có công dụng bổ cốt tủy, ích hư lao, thường được dùng để chữa các chứng tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh), kiện vong (hay quên), thất miên (mất ngủ), đầu thống (đau đầu), huyễn vựng (hoa mắt, chóng mặt)...; kỷ tử vị ngọt, tính bình có công dụng bổ can thận, sinh tinh dưỡng huyết và làm sáng mắt. Hai vị phối hợp với nhau tạo nên công năng bổ dưỡng trí não rất tốt. Tuy nhiên, với trẻ thừa cân, béo phì và có hội chứng rối loạn lipid máu thì không nên dùng bài này.
Bài 7: Trứng chim cút 20 quả, thục địa 20g, kỷ tử 30g, sơn thù 30g, hoài sơn 30g, hành, gừng và gia vị vừa đủ. Trứng chim luộc chín, bóc bỏ vỏ rồi cho cùng các vị thuốc vào nồi đất với một lượng nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ hầm kỹ chừng 60 phút là được, chế đủ gia vị, ăn trứng uống nước mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 quả. Trong thực liệu học cổ truyền, chim cút được coi là “nhân sâm động vật”, còn trứng chim cút vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ ngũ tạng, ích khí huyết và làm mạnh gân cốt. Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh trứng chim cút có giá trị dinh dưỡng rất cao, vượt xa các loại trứng gia cầm khác với lượng protid, lipid, sinh tố và các nguyên tố vi lượng rất phong phú. Sự phối hợp trứng chim cút với các vị thuốc bổ của đông y (thục địa và kỷ tử bổ huyết ích âm, hoài sơn bổ khí kiện tỳ, sơn thù bổ thận) tạo nên một món ăn - bài thuốc có tác dụng bổ dưỡng độc đáo, rất có ích cho hoạt động trí não.
Bài 8: Cá trắm 1 con, viễn trí 10g, thạch xương bồ 12g, hành, gừng và gia vị vừa đủ. Cá trắm đánh vẩy, bỏ nội tạng, rửa sạch rồi cho các vị thuốc vào trong bụng, ướp gia vị rồi đem kho nhừ bằng nồi đất. Khi được, bỏ bã thuốc, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Ích khí bổ hư, kiện tâm an thần, nâng cao năng lực hoạt động trí não. Trong bài, cá trắm vị ngọt, tính bình, có công dụng ích khí bổ hư; viễn trí phối hợp với thạch xương bồ vào hai kinh tâm và thận, có tác dụng an thần ích trí, cải thiện khă năng ghi nhớ, tăng cường sức tập trung chú ý. Khi dùng bài này cần chú ý loại bỏ mật cá trắm vì rất độc.
Long nhãn và hạt sen là hai vị thuốc rất tốt cho dưỡng tâm, an thần.
Bài 9: Ngũ vị tử 6g, kỷ tử 24g, toan táo nhân 8g. Tất cả đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, chế thêm một chút đường phèn, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Định tâm an thần, kiện não ích trí, dùng làm đồ uống rất tốt cho những “sĩ tử” trong mùa thi, những người bị suy giảm trí nhớ, ngủ kém, hay mê mộng, hay hoa mắt chóng mặt... Trong bài, ngũ vị tử có tác dụng tư dưỡng cường tráng, làm hưng phấn hệ thần kinh, cải thiện trí lực, nâng cao hiệu suất công tác; toan táo nhân có tác dụng an thần dưỡng tâm, phối hợp với ngũ vị tử để điều tiết hoạt động của hệ thần kinh, tái lập cân bằng giữa hưng phấn và ức chế; kỷ tử bổ thận dưỡng can, an thần ích trí. Ba vị thuốc phối hợp chặt chẽ với nhau tạo nên công dụng cường thân ích trí độc đáo của loại trà thuốc này.
Ngoài ra, có thể dùng nấm linh chi mỗi ngày 5g hãm uống đơn thuần hoặc phối hợp với các vị thuốc trong bài 4 vì loại nấm này cũng có tác dụng dưỡng tâm an thần, ích khí bổ huyết, kiện não ích trí khá tốt. Để cho dễ uống, có thể pha thêm một chút đường phèn hoặc mật ong.
ThS. Hoàng Khánh Toàn