Môi trường khói, bụi bẩn ô nhiễm cùng với cái nắng nóng như thiêu như đốt của mùa hè dễ khiến da bạn bị tổn thương và là cơ hội cho các bệnh về da phát triển. Đặc biệt ở phụ nữ, vấn đề sạm da, khô da, nóng trong người dễ phát tác, khiến chị em buồn phiền, lo lắng.
Tự ti vì mụn nhọt
Ngay từ lúc mới vào đầu hè nhưng chị Minh Khánh (Dương Nội, Hà Đông) đã cảm thấy rất tự ti vì vùng da mặt lúc nào cũng ngứa ngáy khó chịu và nổi mụn nhọt. Ban đầu, mụn chỉ mọc khu trú ở vùng thái dương, sau đó lan dần ra má và phần trên trán. Thêm vào đó, do cơ quan khá xa nên mỗi lần đi làm nhiều bụi bặm, mồ hôi khiến chị cảm thấy da nhễ nhại, vô cùng khó chịu. Chị đã đi khám và được bác sĩ cho đơn thuốc uống nhưng chỉ được một thời gian là đâu lại vào đấy. Chị chia sẻ, bản thân rất mất tự tin khi xuất hiện trước đối tác.
BSCC. Hoàng Đình Lân, Nguyên Trưởng khoa Ngoại, BV Y học cổ truyền Trung ương cho biết, vào mùa hè do nhiệt độ tăng cao, làm cho khí hậu trở nên oi bức, cơ thể phải tiết ra nhiều mồ hôi để tỏa bớt nhiệt độ giúp cho thân nhiệt luôn giữ được trạng thái bình thường. Cũng chính do mồ hôi bài tiết nhiều ở bề mặt ngoài da nên đã kéo theo những cặn bã trong cơ thể đào thải ra, vì vậy làm cho da bẩn lại ướt nên dễ kết dính bụi bẩn và vi khuẩn trong không khí khiến da trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra ngứa ngáy, mụn nhọt... Để biết chính xác bản thân đang gặp phải vấn đề gì về da cũng như về sức khỏe thì cần đến các bác sĩ khám và tư vấn cụ thể.
BSCC. Hoàng Đình Lân.
Riêng ở phụ nữ, theo BS. Lân, vấn đề nổi mụn nhọt trên mặt thường xuất hiện ở lứa tuổi dậy thì; thứ hai là mụn nhọt – nhất là mụn trứng cá thường do có các bội nhiễm gây ra; thứ ba là có thể do một số bệnh như mề đay trong da liễu, hoặc mụn phát ban đỏ trong mùa hè…
Theo y học cổ truyền mụn nhọt phát ra là do nhiệt – “nhiệt bức huyết vọng hành” tức là khi nóng quá làm các chất cặn bã đào thải ra ngoài qua phần da biểu hiện ở mặt.
Cách “hạ nhiệt” làm mát cơ thể
Về các phương pháp điều trị mụn nhọt do nhiệt, nóng trong, BSCC. Hoàng Đình Lân cho biết, hiện nay y học hiện đại cũng có những cách chữa riêng có thể khỏi bệnh nhưng rất dễ tái phát. Trong khi đó, y học cổ truyền sau khi tìm được nguyên nhân theo “Lý, Pháp, Phương, Dược”, “Tính vị, Quy kinh” thì có thể khỏi được hoàn toàn tuy có chậm hơn một chút vì nó chữa được tận gốc nguyên nhân gây ra bệnh.
Ví dụ nóng trong thường do gan nóng, thận nóng cần sử dụng những thực phẩm làm mát “tư âm, bổ thận, mát gan, giải độc”. Ngoài ra, còn có các vấn đề mà y học hiện đại gọi là viêm nhiễm, mủ nhọt thì y học cổ truyền có các vị thanh nhiệt, tiêu viêm, tiêu huyết, làm đỡ sốt, đỡ đau, giảm bớt các dấu hiệu bệnh. Không những thế còn giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng chống bệnh tật mà y học cổ truyền gọi là bồi bổ chính khí.
Để phòng ngừa nóng trong, mụn nhọt, người dân cần hạn chế ăn các thức ăn bổ béo, đồ ăn chứa chất cay nóng, khó tiêu. Theo cổ phương, có thể sử dụng các phương pháp như uống nước rau má, nước rau diếp cá, mướp đắng thường xuyên sẽ có tác dụng làm mát cho cơ thể, hạn chế tình trạng nóng trong người, nóng gan, nóng thận. Nóng gan cũng có thể sắc nước atiso, nhân trần uống sẽ có tác dụng làm mát rất tốt.
Những người bị nhiệt từ trong phát ra như nội thương do gan nóng, thận nóng thì phải đến thầy thuốc đông y hoặc cơ sở y tế có thương hiệu đã được nhà nước công nhận để được khám, kê bài thuốc có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh.
Dương Hải