Một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ phá vỡ sự cân bằng của quá trình tạo xương và hủy xương
Một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ phá vỡ sự cân bằng của quá trình tạo xương và hủy xương, khiến cho lượng xương mất đi nhiều hơn lượng xương được hình thành và gây ra nguy cơ loãng xương!
Khi sử dụng những loại thuốc này cần theo dõi chặt chẽ mật độ xương và tăng cường chế độ dinh dưỡng, tập luyện thích hợp... để phòng ngừa loãng xương!
Tìm hiểu về loãng xương
Xương có nhiệm vụ nâng đỡ và chịu được sức nén của trọng lượng cơ thể. Vì vậy, xương phải vững chắc và có mật độ xương cao.
Mật độ xương phát triển cao nhất khi đến 30 tuổi và sau đó suy thoái dần chỉ còn 1/3 khi đến năm 70 tuổi!
Bình thường ở xương, luôn diễn ra hoạt động song song của hai quá trình tạo xương và hủy xương. Khi lượng xương mất đi nhiều hơn lượng xương tạo ra, các mô xương bị suy yếu khiến xương giòn dễ gãy gọi là loãng xương.
Ở người bị loãng xương thường các triệu chứng không rõ ràng: một số người chỉ phát hiện khi chụp X-quang và một số người do xương sống bị xẹp xuống làm lưng cong và gây đau.
Mật độ xương phát triển cao nhất khi đến 30 tuổi và sau đó suy thoái dần Có nhiều nguyên nhân gây ra loãng xương:
- Hiện tượng lão hóa tự nhiên của cơ thể.
- Chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ canxi và vitamin D.
- Phụ nữ sau mãn kinh lượng estrogen bị sụt giảm nên không duy trì mật độ xương.
- Do di truyền.
- Rối loạn nội tiết.
- Người bệnh nằm bất động kéo dài.
- Người nghiện rượu, nghiện thuốc lá…
- Thuốc: một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ làm loãng xương.
Các thuốc gây nguy cơ loãng xương
Thuốc là một trong những nguyên nhân gây loãng xương. Sau đây là các loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài, sẽ phá vỡ sự cân bằng của quá trình tạo xương và hủy xương, khiến cho lượng xương mất đi nhiều hơn lượng xương được hình thành và gây ra nguy cơ loãng xương:
Nhóm thuốc corticosteroid:
Nhóm thuốc corticosteroid (prednisolon, dexamethason, betamethason...) đứng đầu trong danh sách các thuốc gây ra nguy cơ loãng xương khi sử dụng liên tục trong một thời gian dài.
Nhóm thuốc corticosteroid thuờng được chỉ định trong điều trị ngừa hiện tượng thải ghép, bệnh hen phế quản, viêm khớp dạng thấp… Các thuốc này khi vào trong cơ thể, vừa ngăn chặn quá trình tạo xương vừa thúc đẩy quá trình hủy xương nên khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra loãng xương.
Levothyroxin:
Levothyroxin là một chế phẩm tổng hợp của Thyroxin (một loại hoóc-môn do tuyến giáp sản sinh ra), được chỉ định trong điều trị nhược giáp, giúp bồ sung sự thiếu hụt các hoóc-môn tuyến giáp.
Khi sử dụng levothyroxin liều cao trong một thời gian dài sẽ làm gia tăng quá trình đào thải canxi ở xương nên gây ra loãng xương.
Nhóm thuốc kháng sinh:
Tetracyclin là một loại thuốc kháng sinh làm phá hủy mô xương, răng. Vì vậy, khi sử dụng tetracyclin với hàm lượng cao trong thời gian dài sẽ gây ra nguy cơ loãng xương.
Cần lưu ý không được sử dụng tetracyclin cho trẻ em dưới 8 tuổi, vì gây ra chứng vàng răng (do mô răng bị phá hủy).
Các thuốc kháng sinh nhóm quinolon (ofloxacin, ciprofloxacin…) được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú do gây ra những tổn thương thoái hóa khớp.
Nhóm chống viêm loét dạ dày:
Nhóm thuốc chống viêm loét dạ dày như: các thuốc kháng axít mà trong thành phần có chứa nhôm (Al(OH)3) và các thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lansoprazol…) sẽ gây ức chế sự hấp thu canxi vào cơ thể. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc này trong một thời gian dài sẽ gây ra nguy cơ loãng xương, nên cần hết sức thận trọng với đối tượng sử dụng là người già và phụ nữ sau mãn kinh.
Nhóm thuốc chống động kinh:
Nhóm thuốc chống động kinh (Phenobarbital, phenytoin…) khi vào cơ thể sẽ làm gia tăng các enzym hydroxylase, oxylase ở gan, gây ức chế gan chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt tính.
Vitamin D có vai trò quan trọng giúp canxi hấp thu vào cơ thể. Khi vitamin D không được gan chuyển hóa thành dạng hoạt tính, sẽ làm giảm sự hấp thu canxi vào cơ thể, gây ra loãng xương.
Nhóm thuốc lợi tiểu quai:
Nhóm thuốc lợi tiểu quai (furosemid, bumetanid, indapamid…) là những thuốc tác động ở nhánh lên quai Henle, thường được chỉ định trong điều trị cao huyết áp, suy tim... Do các thuốc này làm gia tăng đào thải canxi qua thận, nên khi sủ dụng một thời gian dài thường gây ra nguy cơ loãng xương.
Nhóm thuốc chống đông máu:
Nhóm thuốc chống đông máu (heparin, warfarin… ) ngăn chặn sự hấp thu canxi vào cơ thể. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc này trong một thời gian dài sẽ gây ra nguy cơ loãng xương.
Nhóm thuốc ức chế miễn dịch:
Nhóm thuốc ức chế miễn dịch (cyclosporin, tacrolimus…) khi sử dụng một thời gian dài để ngăn ngừa hiện tượng thải ghép (trong phẫu thuật cấy ghép cơ quan) thường gây ra tác dụng phụ loãng xương. Cho đến nay, cơ chế tác động gây ra loãng xương của nhóm thuốc này vẫn chưa được biết rõ.
Nhóm thuốc chống ung thư:
Nhóm thuốc chống ung thư (doxorubixin, methotrexat…) được sử dụng trong hóa trị liệu, khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra loãng xương do ngăn chặn quá trình tạo xương của cơ thể. Vì vậy, với người bệnh ung thư đang điều trị hóa trị liệu cần phải hết sức thận trọng với nguy cơ loãng xương.
Nhóm thuốc kháng retrovirut (ARV):
Nhóm thuốc kháng retrovirut (amivudin, zidovudin…) thường được chỉ định trong điều trị HIV. Các thuốc này làm gia tăng sự hoạt động của các tế bào hủy xương và ngăn chặn sự hoạt động của các tế bào tạo xương nên gây ra nguy cơ loãng xương.
Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có nguy cơ cao gây loãng xương trong điều trị một số bệnh lý ung thư, nhược giáp, động kinh…, người bệnh cần theo dõi chặt chẽ mật độ xương, lưu ý phòng ngừa loãng xương với chế độ dinh dưỡng giàu canxi và vitamin D, bổ sung thuốc canxi và vitamin D và tăng cường luyện tập thể dục, thể thao giúp xương chắc khỏe!
DS. MAI XUÂN DŨNG