Hầu như trong cuộc sống ai cũng từng trải qua những phiền toái liên quan đến cổ họng. Khó chịu ở họng là một biểu hiệu rất phổ biến của nhiều căn bệnh từ cảm...
Hầu như trong cuộc sống ai cũng từng trải qua những phiền toái liên quan đến cổ họng. Khó chịu ở họng là một biểu hiệu rất phổ biến của nhiều căn bệnh từ cảm, sốt virut cho đến các dị ứng khác nhau hoặc có thể là dấu hiệu sớm của một tình trạng nhiễm khuẩn… Mức độ khó chịu cũng có thể từ nhẹ đến nặng.
Dị ứng thực phẩm
Dị ứng đối với thực phẩm xảy ra khi cơ thể phản ứng với một hay vài thứ nhất định mà chúng ta ăn, như thể chúng là “kẻ gây hại” cho cơ thể. Phản ứng dị ứng thường phát triển trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn thức ăn. Các dị ứng có thể ở mức độ nhẹ với các triệu chứng ngứa họng hoặc khoang miệng. Tuy nhiên, đôi khi chúng có thể đe dọa tính mạng với sốc phản vệ. Thực phẩm dễ gây dị ứng bao gồm lạc (đậu phộng), trứng, sữa, hải sản...
Dị ứng thuốc
Nhiều người bị dị ứng với một số loại thuốc bao gồm penicillin và các kháng sinh khác. Mức độ nghiêm trọng của dị ứng sẽ từ nhẹ đến đe dọa tính mạng.
Các triệu chứng dị ứng thuốc có thể bao gồm sự khó chịu ở họng như ho khan, ngứa ngáy xuất tiết dịch ở họng, cảm giác họng sưng phồng, nuốt khó, khó thở… bắt đầu ngay sau khi mới dùng thuốc.
Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân gây khó chịu ở họng
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ho khan và ngứa họng mà không phải là do dị ứng. Ví dụ như nhiều người dùng thuốc điều trị tăng huyết áp thấy thường xuyên ho khan. Đó là tác dụng ngoại ý của thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển angiotensin (ACE) .
Nhiễm khuẩn và virut
Nhiễm khuẩn đường họng hoặc các trường hợp viêm amidan có thể bắt đầu với ngứa họng trước khi tiến triển nghiêm trọng hơn. Các virut gây bệnh cảm lạnh thông thường hoặc virut cúm có thể gây ra ngứa, khó chịu ở họng. Nếu chỉ là cảm lạnh, cổ họng ngứa hoặc hơi đau nhẹ. Nếu bị nhiễm cúm, triệu chứng đau họng sẽ nặng hơn và đi kèm với sốt, đau cơ thể cùng cảm giác khó chịu trong ngực.
Mất nước
Tình trạng này xảy ra khi cơ thể mất nhiều nước hơn mức bình thường, trong điều kiện thời tiết quá nắng nóng, sau khi tập thể dục quá mức hoặc khi ốm đau, mắc bệnh (ví dụ như tiêu chảy, nôn nghén). Mất nước có thể gây tình trạng “khan hiếm” nước bọt làm khô miệng và điều này có thể dẫn tới cảm giác khan ngứa ở cổ họng.
Trào ngược dạ dày - thực quản
Một triệu chứng của trào ngược dạ dày - thực quản khiến dịch vị dạ dày trào ngược, còn gọi là chứng ợ nóng. Một số người trào ngược dạ dày - thực quản kinh niên gặp vấn đề ở họng như ho khan, viêm họng, thậm chí viêm trợt niêm mạc miệng, họng. Ngứa hoặc đau họng không phải là triệu chứng duy nhất của trào ngược. Tuy nhiên, ở một số người, dấu hiệu ngứa ngáy ở họng lại gần như là triệu chứng lặng lẽ duy nhất của bệnh.
Các triệu chứng có thể kèm theo
Thông thường, khó chịu ở họng không phải là triệu chứng duy nhất. Các triệu chứng xuất hiện cùng với chứng ngứa họng thay đổi tùy theo nguyên nhân. Khó chịu gây ra bởi viêm mũi dị ứng có thể đi kèm với các triệu chứng: chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; nặng ở xoang; ngứa mắt; hắt xì; mệt mỏi; mắt sưng, đỏ hoặc chảy nước mắt.
Khi nguyên nhân bởi dị ứng thuốc hoặc thực phẩm, khó chịu ở họng có thể xuất hiện cùng với nhiều triệu chứng từ nhẹ đến cần điều trị khẩn cấp như: phát ban; đỏ da xung quanh mắt; ngứa tai; buồn nôn và ói mửa; đau bụng, tiêu chảy; sưng môi, lưỡi và họng; khó thở hoặc khó nuốt; giảm nhận thức; hạ huyết áp; mất ý thức. Có thể khó phân biệt được một chứng ngứa ngáy do bệnh viêm mũi dị ứng. Trong cả hai trường hợp, nó có thể được đi kèm với nghẹt mũi hoặc hắt hơi. Tuy nhiên, nếu cổ họng bị khó chịu là do bệnh cấp tính, triệu chứng này thường ngắn ngủi và đi kèm với các triệu chứng sau đây: sốt; đau cơ; mệt lả; đau đầu; ho; nghẹt mũi; khi nguyên do mất nước, các triệu chứng khác có thể bao gồm: cực kỳ khát; khô miệng; nước tiểu đậm màu, tiểu ít; nếu do trào ngược hay ợ nóng, các triệu chứng khác có thể bao gồm: khó khăn hoặc đau khi nuốt; cảm giác ngứa ngực hoặc cổ họng; ợ hơi; viêm thanh quản; mòn men răng gây ê răng; nướu bị viêm; hôi miệng hay có cảm giác mùi vị khó chịu.
Các biện pháp phòng ngừa và xử lý tại nhà
Tránh uống rượu, cà phê; Bỏ hút thuốc lá; Uống nhiều nước; Rửa tay thường xuyên; Nếu cơ địa dị ứng, cần tránh yếu tố dễ gây dị ứng cũng như tránh các dị nguyên trong không khí hay trong thực phẩm.
Hầu hết các trường hợp khó chịu ở họng có thể được điều trị đơn giản tại nhà. Điều trị tình trạng khó chịu ở họng còn tùy theo nguyên nhân. Tuy nhiên, có một số biện pháp khắc phục có thể dùng trong hầu hết các trường hợp. Có thể dùng mật ong ngậm họng cho dịu cảm giác khô rát, ngứa ngáy muốn ho. Nước muối sinh lý dùng súc miệng cũng có tác dụng. Đồ uống có thể dùng trà chanh nóng pha với mật ong. Nếu các giải pháp này vẫn không đỡ mới dùng đến thuốc giảm đau và giảm ho thảo dược. Thuốc xịt hoặc thuốc chống dị ứng thông thường có thể dùng khi cảm giác khó chịu nhiều và do nguyên nhân dị ứng nhẹ hay cảm lạnh thông thường.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?Không phải lúc nào khó chịu ở họng cũng cần tới bác sĩ bởi may mắn là hầu hết những triệu chứng này là nhẹ nhàng và có thể khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, triệu chứng khó chịu tại họng có nhiều nguyên nhân và có nhiều mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng tới tính mạng. Vì thế, cần đến gặp bác sĩ khi có các biểu hiện sau:
Các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày và không thuyên giảm dù đã áp dụng các biện pháp tại nhà hoặc nặng lên.
Trường hợp họng ngứa đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào sau đây: khó thở; thở khò khè; phát ban; sưng mặt; đau cổ họng; sốt; khó nuốt. Đây là tình trạng cần được khám, điều trị ngay hoặc xử lý và kiểm soát các chứng dị ứng nghiêm trọng.
BS. Lê Thục