Nhiều nghiên cứu và thống kê của giới chuyên gia y tế đã cho thấy: môi trường sống nơi thành thị là một trong các tác nhân hàng đầu khiến người dân dễ mắc phải các bệnh tật
Nhiều nghiên cứu và thống kê của giới chuyên gia y tế đã cho thấy: môi trường sống nơi thành thị là một trong các tác nhân hàng đầu khiến người dân dễ mắc phải các bệnh tật như: suyễn, căng thẳng thần kinh và nhiều chứng rối loạn tâm lý khác.
Tình trạng di dân vào thành phố và các khu đô thị vẫn đang không ngừng tiếp diễn ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới với tỉ lệ tăng dần. Việc sống ở đô thị giúp con người được tiếp cận với nhiều tiện nghi hiện đại và cơ hội để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng đồng thời, con người đang phải tiếp xúc nhiều hơn với những nguy cơ lâu dài về mặt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần - kết luận của nhiều công trình nghiên cứu khoa học gần đây về tác động của cuộc sống thành thị đối với sự phát triển của con người.
“Cuộc sống ở thành thị khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn!”
Vào năm 1965, cơ quan y tế quận Camberwell thuộc thủ đô Luân Đôn của nước Anh tiến hành một cuộc khảo sát mang tính đột phá. Họ lưu trữ, theo dõi và cập nhật bệnh sử của từng người dân trong quận trên cơ sở chứng trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và một số chứng rối loạn tâm lý khác. Vài thập kỷ sau, khi các nhà tâm thần học kiểm tra lại những dữ liệu này, họ phát hiện một xu hướng đáng kinh ngạc: số người tâm thần phân liệt tăng gấp đôi, từ tỉ lệ 11 người/100.000 người dân trong năm 1965 tăng lên thành 23 người/100.000 người dân vào năm 1997. Trong khi đó, các thống kê về dân số cho thấy tổng dân số quận Camberwell khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1997 không có sự thay đổi đáng kể. “Có vẻ như cuộc sống ở thành thị khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn,” - nhận định của giáo sư Jane Boydell đến từ Viện Tâm thần học Luân Đôn; bà chính là người chủ trì công trình nghiên cứu này.
Người dân đô thị có khả năng xử lý và chịu đựng stress kém hơn hẳn
Một nghiên cứu chấn động khác về tác hại của môi trường đô thị đối với sức khỏe con người được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2011. Công trình nghiên cứu này được chủ trì bởi tiến sĩ Andreas Meyer - Linderberg đến từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Mannheim (CHLB Đức), với mục đích ban đầu là tìm hiểu cách thức hoạt động của bộ não con người trong việc thích ứng với stress. Nhóm nghiên cứu của Meyer-Linderberg phát hiện ra rằng so với người dân nông thôn, bộ não của người dân đô thị có khả năng xử lý và chịu đựng stress kém hơn hẳn. Về kết quả nghiên cứu này, tiến sĩ Mazda Adli - một nhà khoa học người Đức nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về sự cô đơn của con người trong đám đông - nhận định rằng: “Bộ não con người vốn dĩ không được thiết kế để tồn tại trong môi trường đô thị đông đúc... Sống trong thành thị, con người vừa phải thích nghi với sự xô bồ, vừa phải chịu đựng các hoạt động có tính chất cô lập trong xã hội, việc mắc phải các chứng bệnh về tâm lý và tinh thần là hệ quả tất yếu”.
Hít thở không khí ô nhiễm nơi thành thị về lâu dài có thể gây suy giảm tuổi thọ con người
Tác động của môi trường đô thị đối với sức khỏe thể chất của con người
Trong công trình nghiên cứu của Meyer-Linderberg và nhiều nghiên cứu tương tự khác, các nhà khoa học phát hiện ra rằng bộ não của người dân đô thị có phần hạch hạnh nhân (amygdala) phát triển và linh hoạt hơn hẳn cư dân nông thôn. Hạch hạnh nhân là cơ quan đảm trách những phản ứng cảm xúc trong não. Nhiều nhà khoa học và chuyên gia tâm lý nhất trí rằng việc hạch hạnh nhân liên tục hoạt động và phát triển vượt mức bình thường khiến tâm trí con người dễ bị tổn thương bởi các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, dẫn đến stress, trầm cảm và nhiều chứng rối loạn tâm lý khác. Khi các nhà nghiên cứu thực hiện các khảo sát tương tự ở những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn, họ nhận thấy rằng hạch hạnh nhân của cư dân nơi đây kém linh hoạt hơn, và do vậy, những người này thường có cuộc sống dễ chịu và ít bị chi phối bởi stress.
Giới nghiên cứu khoa học vẫn đang làm sáng tỏ nhiều khía cạnh khác về tác động của môi trường đô thị đối với sức khỏe con người. Một công trình nghiên cứu của Đại học Queen Mary (Luân Đôn, Anh) vào năm 2015 cho thấy âm thanh của các phương tiện giao thông trong đô thị - bao gồm tiếng ồn từ động cơ máy bay - gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, khả năng học hỏi và tiếp thu của trẻ em. Nhiều nghiên cứu khác khẳng định rằng việc hít thở không khí ô nhiễm nơi thành thị về lâu dài có thể gây suy giảm tuổi thọ con người. Nghiên cứu ở Trung Quốc phát hiện ra rằng những cư dân sống ở các khu đô thị phía bắc lân cận thủ đô Bắc Kinh có tuổi thọ trung bình thấp hơn năm tuổi so với những cộng đồng dân cư ở vùng nông thôn phía nam.
Lựa chọn tối ưu
Mặc cho những cảnh báo về ô nhiễm môi trường và các nguy cơ sức khỏe, nhiều người trong chúng ta vẫn chọn cuộc sống ở đô thị vì những lợi ích không thể chối cãi của nó. Theo tiến sĩ Adli, stress chỉ là một phần nhỏ trong số vô vàn tác động tiêu cực lẫn tích cực của cuộc sống thành thị đối với chúng ta: “Đô thị cho chúng ta những lợi thế và đặc quyền mà không nơi nào khác có được. Ở thành phố, chúng ta được tận hưởng một cuộc sống giàu trải nghiệm phong phú, năng động và nhiều màu sắc. Chỉ ở nơi đây, chúng ta mới được thụ hưởng đầy đủ những tiện ích về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, và nhiều cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây đều là những nhân tố có tính chất bảo vệ và bảo đảm cuộc sống con người.”
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định việc dành thời gian rời khỏi thành phố đông đúc để tận hưởng thiên nhiên trong lành là một thói quen kiêm liệu pháp hiệu quả giúp con người nâng cao sức khỏe và cân bằng cuộc sống. Cụ thể hơn, công trình nghiên cứu của Berman và các cộng sự đăng trên tạp chí SAGE năm 2008 khám phá ra rằng việc tiếp xúc với thiên nhiên giúp con người cải thiện trí nhớ, nâng cao sức khỏe cảm xúc và giúp thuyên giảm chứng ADHD. Lời khuyên của các chuyên gia y tế dành cho chúng ta chính là tập thói quen cân bằng cuộc sống, dành thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân, nghỉ ngơi thư giãn và trải nghiệm thiên nhiên trong khả năng có thể, để được thụ hưởng những lợi ích tốt nhất từ cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội quanh ta.
ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN