GS.TS. Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: Nếu như năm 2000 cả nước có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp (THA)...
GS.TS. Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: Nếu như năm 2000 cả nước có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp (THA), năm 2009 tỷ lệ THA ở người lớn là 25,4% thì năm 2017 tỷ lệ người lớn bị THA đang ở mức báo động là trên 40%, một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại.
Ba nghịch lý thường gặp đối với THA
Hiện nay, cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị THA. Theo WHO, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì THA và biến chứng của THA trên 9 triệu người.
Theo thống kê năm 2015 của Viện Tim mạch Việt Nam, trên 5.454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) trong quần thể 44 triệu người tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc mắc THA. Kết quả cho thấy, có 52,8% người Việt có huyết áp bình thường (ước tính là 23,2 triệu người), có 47,3% người Việt Nam (ước tính là 20,8 triệu người) bị THA. Đặc biệt, trong những người bị THA có 39,1% (ước tính 8,1 triệu người) không được phát hiện bị THA; có 7,2% (ước tính 0,9 triệu người) bị THA không được điều trị; có 69,0% bị THA chưa kiểm soát được.
GS.TS. Nguyễn Lân Việt nêu ra ba nghịch lý thường gặp đối với THA là:
Bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo huyết áp rất đơn giản) nhưng thường bị bỏ sót, do THA thường không có triệu chứng. Có tới trên 50% số người bị THA, khi được đo huyết áp lần đầu không biết là mình bị THA từ bao giờ.
Là bệnh dễ điều trị nhưng thường người bệnh không được điều trị, với khoảng trên 50% bệnh nhân được phát hiện THA không được điều trị.
Có nhiều thuốc và tiến bộ về thuốc hiệu quả trong điều trị nhưng đa số bệnh nhân được điều trị lại không được khống chế huyết áp đạt yêu cầu (từ 50 - 80% không đạt đích điều trị).
Kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: ML
Nguy hiểm vì không có những triệu chứng điển hình
Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn... có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn THA và xảy ra ở nhiều bệnh nhân. Nhưng cũng có những bệnh nhân THA mà không biểu hiện triệu chứng. Bỗng dưng một ngày bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não khi đến viện mới phát hiện huyết áp tăng cao dù không có biểu hiện gì trước cơn đột quỵ xảy ra. Hay có bệnh nhân khi vào viện vì suy thận phải lọc máu mới ngỡ ngàng vì tình trạng tăng huyết áp gây nên.
Một người được chẩn đoán THA khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mm thủy ngân. Nhiều người thậm chí huyết áp đến 250/100mm thủy ngân nhưng không hề có triệu chứng. Và điều này là rất nguy hiểm bởi huyết áp có thể tăng bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng người bệnh.
Mỗi người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng cơ năng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt thì giảm các biến cố tim mạch. Nhất là với gia đình có tiền sử THA, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ.
“Bạn không có triệu chứng không có nghĩa bạn không bị THA. Đó là lý do chúng tôi khuyên bệnh nhân đo huyết áp mỗi ngày, hãy nhớ huyết áp như nhớ tuổi của mình. Hãy đo, kể cả khi bạn thấy bình thường nhất để phát hiện nguy cơ THA”, GS. Việt khuyến cáo.
Không có bệnh nào chẩn đoán dễ hơn THA khi chỉ cần máy đo huyết áp và cách đo chuẩn (theo hướng dẫn của bác sĩ) mọi người đã biết được huyết áp của mình ở ngưỡng nào.
Tuyệt đối không bỏ thuốc
Khi được chẩn đoán huyết áp và phải điều trị, nhiều người sau một thời gian thấy ổn định thì hồn nhiên bỏ thuốc vì nghĩ bệnh đã khỏi, không phải dùng nữa. Tình trạng này rất phổ biến. Huyết áp là bệnh kiểm soát được nhưng phải dùng thuốc suốt đời, theo đơn kê mỗi ngày, không được bỏ thuốc dù một ngày, cả khi không có triệu chứng và con số huyết áp được hạ xuống mức bình thường.
Dù ở nhà, dù đang đi du lịch, dù có việc gia đình bận rộn hay nhàn rỗi, hãy luôn mang theo thuốc huyết áp bên mình, uống theo kê đơn, uống theo lịch kể cả khi không biểu hiện triệu chứng.
Phòng bệnh là biện pháp chìa khóa thành công ngăn ngừa THA
THA để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa... Ngoại trừ yếu tố di truyền và tuổi tác là không tác động được, các yếu tố nguy cơ khác của THA hoàn toàn có thể dự phòng bằng chế độ ăn uống hợp lý và giảm muối; ăn nhiều rau, hoa quả; hạn chế rượu bia; không hút thuốc lá; vận động thể lực nhiều; duy trì cân nặng phù hợp.
M. Linh