Các thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh gout (gút) mạn tính là các loại thuốc giúp làm hạ nồng độ acid uric máu, giảm kích thước của các hạt tophi, giảm sưng viêm và triệu chứng của cơn gút cấp...
Các thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh gout (gút) mạn tính là các loại thuốc giúp làm hạ nồng độ acid uric máu, giảm kích thước của các hạt tophi, giảm sưng viêm và triệu chứng của cơn gút cấp... Allopurinol và colchicin là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh gút và cũng là loại thuốc dễ bị “nhờn”(không đáp ứng điều trị/điều trị không đạt hiệu quả mong muốn). Vậy bệnh nhân cần phải làm gì?
Tác dụng của allopurinol à colchicine
Acid uric là một sản phẩm của quá trình chuyển hóa protid trong cơ thể, khi được tăng tổng hợp hoặc giảm đào thải ra khỏi cơ thể, nồng độ trong máu sẽ tăng lên và khi bị bão hòa sẽ tạo thành các tinh thể. Sự lắng đọng các tinh thể acid uric ở khớp hoặc tổ chức liên kết gây ra triệu chứng của bệnh gút như: khớp bị viêm tấy, sưng nóng đỏ, đau nhức và hạn chế vận động. Nồng độ acid uric trong máu càng cao thì nguy cơ xuất hiện viêm khớp cấp do gút càng lớn. Allopurinol là hoạt chất được coi như “vũ khí lợi hại” để làm giảm acid uric máu, có thể dùng cho mọi bệnh nhân gút. Allopurinol có tác dụng giảm tổng hợp acid uric và tăng đào thải acid uric qua nước tiểu. Thuốc được sử dụng đều đặn, dài hạn (suốt đời) nhằm giữ cho lượng acid uric máu của người bệnh luôn ở mức bình thường, ngăn ngừa tái phát các đợt viêm khớp gút cấp, ngăn ngừa các biến chứng thận của bệnh gút...
Nhờ tính kháng viêm mạnh, tác dụng nhanh chóng và vượt trội, từ lâu colchicine đã là lựa chọn hàng đầu trong điều trị gút. Tác dụng của cochicine đối với bệnh gút như sau: Ngăn chặn lắng đọng muối urat tại khớp, do colchicine có ái lực đặc biệt với bạch cầu đa nhân trung tính nên nó làm giảm sự di chuyển của các bạch cầu, ức chế thực bào các vi tinh thể muối urat và do đó làm ngừng sự tạo thành các acid lactic, giữ cho độ pH của cơ thể được bình thường, bởi vì độ pH là yếu tố tạo điều kiện cho các tinh thể muối urat kết tủa tại các mô ở khớp. Đồng thời, colchicin làm giảm sự di chuyển của các bạch cầu, ức chế ứng động hóa học, chuyển hóa và chức năng của bạch cầu đa nhân nên làm giảm các phản ứng viêm.
Lạm dụng thuốc chữa gút sẽ gây ra sự nhờn thuốc.
Bệnh nhân gút nhờn với allopurinol và colchicine, vì sao?
Bệnh nhân gút nhờn thuốc allopurinol, hay nói cách khác dùng thuốc mà không hiệu quả, là nỗi sợ lớn nhất của cả thầy thuốc và người bệnh. Nguyên nhân nhờn thuốc có thể chỉ ra một vài yếu tố như: Allopurinol có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là tác dụng không tốt lên đường tiêu hóa, có thể gây phản ứng không mong muốn như dị ứng, viêm gan nhiễm độc, xáo trộn chức năng gan, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt... Vì vậy, để giảm thiểu các tác dụng phụ, bác sĩ thường kê cho bệnh nhân dùng với liều vừa phải. Nhưng có thể liều lượng allpurinol đó không đủ cho tình trạng bệnh, nên hiệu quả điều trị không cao. Khi đó người bệnh sẽ nghĩ là mình bị nhờn thuốc. Hơn nữa, bệnh nhân thường được khuyến nghị nên chia thời gian uống thuốc ra thành nhiều lần trong ngày, uống sau khi ăn. Việc không nhớ rõ thời điểm uống thuốc, liều lượng thuốc khiến cho bệnh nhân dễ quên uống thuốc, từ đó gây ra nhờn thuốc.
Hơn nữa, một số bệnh nhân không chỉ bị gút mà còn mắc thêm các bệnh khác và phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Tương tác thuốc, dù ở một mức độ nào đó đều có thể khiến cho việc điều trị bệnh gút bằng thuốc allopurinol càng trở nên kém hiệu quả.
Đối với colchicines, đây là thuốc có tác dụng đặc hiệu với cơn gút cấp, là một lựa chọn hàng đầu. Colchicine giúp bệnh nhân gút giảm nhiều cơn đau. Thế nhưng, nếu như lạm dụng quá nhiều loại thuốc này sẽ gây ra sự nhờn thuốc. Thời điểm thuốc colchicin phát huy tác dụng nhiều nhất là trong khoảng 12 - 24 giờ đầu tiên của cơn gút cấp và tác dụng giảm dần theo tình trạng viêm kéo dài. Việc phải dùng đi dùng lại colchicine nhiều lần thì thời gian thuốc phát huy hiệu quả càng giảm, do vậy người bệnh có cảm giác nhờn thuốc, thuốc không đem lại hiệu quả cao cho họ.
Người bệnh gút cần làm gì để đối phó với tình trạng nhờn thuốc?
Hiện nay rất ít thuốc có thể thay được allopurinol, vì vậy nhờn với allopurinol là một điều không may cho người bệnh. Thuốc có thể thay thế allopurinol là febuxostat - một chất ức chế men xathine oxidase, có hiệu quả gần tương đương allopurinol và tương đối an toàn vì không có mẫn cảm chéo với allopurinol nhưng giá thành tương đối cao. Trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp hai thuốc này với nhau để tăng tác dụng điều trị. Các thuốc làm tăng thải acid uric qua nước tiểu như probenecid và sulfinpyrazone có thể sử dụng ở bệnh nhân có chức năng thận còn tốt. Tuy nhiên, các thuốc này có nhiều tác dụng phụ và chống chỉ định (bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân suy thận, bệnh nhân có sỏi thận...).
Trong trường hợp người bệnh sử dụng colchicin kéo dài để dự phòng cơn gút cấp, tác dụng phụ của thuốc có thể dẫn đến tình trạng yếu cơ, kết hợp với tăng creatine kinase do thuốc gây bệnh lý thần kinh cơ, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận. Do vậy, nếu bệnh nhân dùng colchicine bị nhờn thuốc thì có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm khác thuộc nhóm NSAID để thay thế.
Người bệnh cần phát hiện mình đã bị nhờn thuốc để xin ý kiến bác sĩ điều trị. Khi đã dùng thuốc cùng với chế độ ăn uống kiêng, ít purin, thường xuyên tập thể dục mà vẫn bị gút cấp, người bệnh cần đặt nghi vấn về loại thuốc mình đang sử dụng với bác sĩ điều trị để được xử lý thích hợp.
DS. Nguyễn Thanh Hoài