Mặc dù tăng huyết áp là một bệnh lý đã được biết tới từ lâu, nhưng việc điều trị tăng huyết áp không bao giờ là điều dễ dàng, ngay cả tại các nước tiên tiến...
Mặc dù tăng huyết áp là một bệnh lý đã được biết tới từ lâu, nhưng việc điều trị tăng huyết áp không bao giờ là điều dễ dàng, ngay cả tại các nước tiên tiến, tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát tới mức huyết áp mục tiêu cũng còn thấp so với kỳ vọng. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc trong tăng huyết áp đóng vai trò hết sức quan trọng trong kiểm soát và điều trị tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp nhưng lại chưa được bệnh nhân nhận thức một cách đầy đủ. Ðiều này càng làm cho việc kiểm soát huyết áp khó khăn hơn.
Tại Việt Nam, theo các thống kê chỉ 2% bệnh nhân được điều trị khống chế huyết áp tốt. Rất nhiều bệnh nhân không được điều trị đúng cách. Trong khi đó rất nhiều người bỏ qua phương pháp điều trị rẻ tiền là điều trị không dùng thuốc. Mặc dù việc thay đổi lối sống chỉ làm giảm rất ít con số huyết áp, nhưng trong tăng huyết áp, chỉ cần giảm 5mmHg con số huyết áp tâm thu, bệnh nhân đã được giảm 14% tỷ lệ tử vong do đột quỵ, 9% tử vong do bệnh lý tim mạch, 7% tỷ lệ tử vong chung.
Các biện pháp được đề cập tới bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt như chế độ ăn hạn chế muối, tập thể dục thể thao, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, ngồi thiền...
Tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp ít nhất 30 phút mỗi ngày tốt cho người bị tăng huyết áp. Ảnh: TM
1. Hạn chế muối ăn
Trong thử nghiệm TONE (Trial Of Nonpharmacologic interventions in the Elderly), bệnh nhân được phân ngẫu nhiên thành 2 nhóm, một với chế độ ăn giảm muối với lượng natri đưa vào cơ thể chỉ là 1,9g/l/ngày và một nhóm không có thay đổi chế độ ăn. Người ta thấy rằng nhóm được can thiệp giảm được huyết áp tâm thu trung bình là 2,8mmHg. Một vài nghiên cứu sau đó nghiên cứu sự thay đổi huyết áp khi đưa vào cơ thể lượng muối khác nhau và người ta nhận thấy, huyết áp thay đổi theo từng bậc cùng với sự thay đổi của lượng muối, và tất nhiên huyết áp sẽ càng giảm nếu lượng muối càng giảm. Và người ta đã đưa ra một khuyến cáo cho bệnh nhân tăng huyết áp hoặc tiền tăng huyết áp, đó là việc hạn chế natri hàng ngày dưới 100mEq hay 2,4g.
2. Tập thể dục
Tập thể dục luôn đem lại giá trị tích cực cho tất cả mọi người và bệnh nhân tăng huyết áp cũng không phải ngoại lệ. Ở những người tập thể dục ít nhất 30 phút một ngày trong ít nhất 4 ngày/tuần, người ta nhận thấy huyết áp của họ giảm trung bình 4mmHg đối với huyết áp tâm thu và 3mmHg đối với huyết áp tâm trương. Điều khó ở đây là chọn môn thể dục thể thao nào để bệnh nhân cảm thấy hứng thú và luyện tập thường xuyên, đồng thời giúp bệnh nhân có cách luyện tập phù hợp nhất với quỹ thời gian có thể rất eo hẹp với một số người.
Bỏ thuốc lá không những giúp kiểm soát huyết áp mà còn giảm tỷ lệ các biến cố tim mạch.
3. Hạn chế lượng cồn tiêu thụ
Đây là một biện pháp rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc hạn chế rượu, bia giúp làm giảm huyết áp với con số trung bình là 3mmHg huyết áp tâm thu và 2mmHg huyết áp tâm trương. Khuyến cáo được đưa ra là nam giới nên uống không quá 2 khẩu phần rượu/ngày và nữ giới là không quá 1 khẩu phần rượu /ngày với mỗi khẩu phần có 14g alcohol, tương đương với khoảng 360ml bia, 150ml rượu vang (12%) và 45ml rượu 40 độ.
4. Thay đổi chế độ ăn
Chế độ ăn DASH là chế độ ăn nổi tiếng với những nguyên tắc sau:
Giàu: Hoa quả và rau với 4-5 khẩu phần/ngày, chất xơ, chế phẩm sữa với hàm lượng chất béo thấp, thịt nạc, canxi, magie, kali.
Hạn chế: Chất béo bão hòa, cholesterol, muối.
Các nghiên cứu đã cho thấy chế độ ăn này giúp làm giảm huyết áp tâm thu khoảng 6mmHg và huyết áp tâm trương 3mmHg. Một thử nghiệm lâm sàng khá nổi tiếng tên là PREMIRE đã cho thấy sự giảm ngoạn mục con số huyết áp ở bệnh nhân có sử dụng chế độ ăn DASH. Người ta nhận thấy việc giảm kali máu làm tăng giữ natri và nước dẫn tới làm tăng huyết áp, chế độ ăn giảm kali có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên tới 7mmHg. Ngược lại, bổ sung thêm kali trong khẩu phần giúp làm giảm huyết áp tâm thu khoảng 2,4mmHg và huyết áp tâm trương là khoảng 1,6mmHg.
5. Giảm cân
Việc giảm cân có thể đem lại hiệu quả hạ áp một cách ngoạn mục. Với mỗi 9kg mà một người giảm được, người đó có thể giảm được huyết áp tâm thu khoảng từ 5-20mmHg.
Thiền mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có cả việc giảm huyết áp với những người bị tăng huyết áp.
6. Ngừng hút thuốc lá
Nicotin trong khói thuốc lá có thể làm kích thích hệ thần kinh giao cảm và làm tăng epinephrin và norepinephrin dẫn tới làm tăng huyết áp. Hút thuốc lá là nguyên nhân làm tăng huyết áp tâm thu khoảng 4mmHg và 3mmHg đối với huyết áp tâm trương. Ngoài ra, hút thuốc lá và tăng huyết áp là hai yếu tố cộng hợp làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong do tim mạch và đột quỵ. Như vậy, việc dừng hút thuốc không chỉ có thể giúp kiểm soát huyết áp mà còn giúp giảm tỷ lệ các biến cố tim mạch.
7. Ngồi thiền
Một số nghiên cứu cũng đã cho thấy việc ngồi thiền có thể làm giảm con số huyết áp, tuy nhiên hiệu quả thực sự còn cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
8. Bổ sung một số vi chất khác
Một số các vi chất như vitamin C, omega-3, coenzym Q10, magie được cho là có thể giảm huyết áp nhưng chưa có những nghiên cứu thực sự thuyết phục.
TS.BS. Phạm Như Hùng (Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam)