Viêm da tiếp xúc xảy ra do côn trùng đốt hoặc tiếp xúc với các phần của côn trùng như bụi phấn hoặc các chất tiết của côn trùng đang sống hoặc bị chết.
Viêm da tiếp xúc xảy ra do côn trùng đốt hoặc tiếp xúc với các phần của côn trùng như bụi phấn hoặc các chất tiết của côn trùng đang sống hoặc bị chết. Đôi khi bệnh cũng xảy ra khi tiếp xúc gián tiếp với côn trùng qua quần áo, khăn... Bệnh thường xảy ra sau mùa thu hoạch, tháng giao mùa, có mưa bão do côn trùng mất chỗ trú ẩn. Trên thực tế thường gặp hai loại là bướm đêm và kiến ba khoang. Viêm da tiếp xúc do côn trùng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, lo lắng và có thể thành dịch.
Nhận biết đúng tổn thương
Viêm da tiếp xúc do côn trùng là trạng thái viêm da kích ứng với hóa chất tiết ra từ côn trùng. Bệnh do tiếp xúc đơn thuần với các chất tiết của côn trùng đang sống hoặc bị chết. Biểu hiện lâm sàng bằng các đám da đỏ, mụn nước và ngứa rát, bệnh tiến triển có tính chất theo mùa sinh sản và hoạt động của côn trùng. Biểu hiện lâm sàng của bệnh khá đặc trưng. Tại vị trí tiếp xúc với côn trùng hoặc dịch tiết của chúng xuất hiện phản ứng viêm da. Ban đầu chỉ có một hoặc vài đám da đỏ, dài như vết cào xước, hơi phù nề, kích thước từ vài mm đến vài cm. Sau vài giờ hoặc một ngày xuất hiện mụn nước, bọng nước giữa dát. Tổn thương đặc hiệu là các vệt dài, dấu ấn điểm chỉ (finger print). Vị trí tại các nơi tiếp xúc bất kỳ nhưng chủ yếu phần hở như cổ, mặt, tay, chân, có thể bị ở một bên hoặc hai bên.... Theo thống kê có hơn 60% bệnh nhân phát bệnh đầu tiên vào buổi sáng và nơi tổn thương chiếm 80% có ở mặt, 1/2 thân mình. Nếu bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cảm thấy rát, ngứa, nổi một vài vết đỏ lấm tấm kèm mụn nước, mụn mủ nhỏ. Sau 3-5 ngày, tổn thương khô mà không thành phỏng nước, bọng mủ. Nếu nặng hơn, thương tổn rộng, bọng nước, bọng mủ nông lan rộng, có thể trợt loét, hoại tử. Tại phòng khám, 100% số bệnh nhân viêm da tiếp xúc côn trùng có biểu hiện bằng vết đỏ, nền hơi cộm theo chiều vệt tay dài 1-5cm rộng 3-10mm, trên đó có mụn nước và phỏng nước ở giữa, có vùng hơi lõm gợi hình một vật gì hình tròn hoặc bầu dục áp vào. 100% có cảm giác rát bỏng tại chỗ. 20% trong 1-2 ngày đầu có cảm giác ngây ngất sốt, khó chịu mệt mỏi, nổi hạch đau vùng tương ứng. 3,82% sưng vùng mi mắt. Một số khác có hình tổn thương đối xứng (kissing lesion) ở hai bên bẹn hoặc kheo tay.
Khám cho bệnh nhân bị côn trùng đốt. Ảnh: TM
Xử trí khi bị viêm da do tiếp xúc với côn trùng
Khi thấy côn trùng bám vào cơ thể thì đuổi chúng, nơi tổn thương da do tiếp xúc nhẹ, hẹp có thể rửa sạch da với nước muối hòa loãng, đồng thời việc rửa sạch vùng da tiếp xúc dưới vòi nước chảy cũng làm chất độc trôi giảm kích ứng. Sau đó bôi hồ nước và bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, da đóng vảy và khô dần. Nếu tổn thương rộng chỉ cần rửa nhẹ nhàng bằng nước muối hòa loãng ngày 2 lần hoặc nước sạch để trung hòa hóa chất gây bỏng do côn trùng tiết ra, sau đó cần đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Viêm da tiếp xúc do côn trùng nếu điều trị đúng và kịp thời bệnh sẽ khỏi sau 5- 7 ngày mà không để lại sẹo. Bôi mỡ dịu da như hồ nước, kem kẽm, kem corticoid. Nếu nhiễm trùng có thể bôi thêm kem kháng sinh. Kháng histamin có tác dụng giảm ngứa, giảm kích ứng.
Lời khuyên thầy thuốc
Chủ động phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với côn trùng và không tạo điều kiện để chúng có nơi ẩn nấp trong khu vực sống của gia đình. Để phòng tránh bệnh cần phát quang bụi rậm cây cối xung quanh nhà để tránh nơi côn trùng cư ngụ. Đêm ngủ nên đóng kín cửa, nằm màn. Khi phơi quần áo nên lấy sớm vào để tránh côn trùng ẩn nấp trong đó. Nếu thấy côn trùng bò lên da thì nên lấy giấy hoặc thổi côn trùng đi, không nên bắt, chà xát hoặc giết nó gây thương tổn và chất tiết tiếp xúc với da nhiều hơn. Khi phát hiện côn trùng gần khu vực sống nên đóng cửa hoặc dùng lưới rất nhỏ để ngăn côn trùng không vào trong nhà, trong phòng. Trước khi ngủ hoặc trước khi mặc đồ thì nên kiểm tra giường chiếu, chăn màn, quần áo trước khi sử dụng, nếu phát hiện côn trùng bám trên quần áo không mặc nữa và đem đi giặt.
Cần phân biệt các loại bệnh viêm da
Là bệnh ngoài da nên tổn thương bị viêm đều bị đỏ và nổi mụn có thể dễ nhầm với các bệnh khác nhau. Cần phân biệt đúng để xử trí. Bệnh viêm da tiếp xúc côn trùng là bệnh xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với các phần của côn trùng như bụi phấn từ cánh côn trùng hoặc chất tiết. Ngay sau khi tiếp xúc da ở chỗ tiếp xúc trực tiếp sẽ bị đỏ lên, ngứa, sưng nề, thành các vệt như bị cào hoặc các đám mụn nước. Thường thì bệnh nhân có cảm giác bỏng rát ở vùng da bị tổn thương. Còn tổn thương da do bệnh Herpes simplex là do virus Herpes simplex gây ra. Bệnh thường biểu hiện với các dấu hiệu ngứa, rát bỏng nhẹ vùng da sắp nổi mụn nước, sau đó nổi mụn nước li ti thành chùm như chùm nho. Vị trí thường gặp là vùng da quanh miệng, môi, vùng sinh dục. Bệnh thường tái đi tái lại tại vị trí cũ hoặc gần đó. Đối với bệnh zona là bệnh gây ra bởi virus Herpes zoster (varicella-zoster virus - VZV). Người mắc bệnh zona trước khi phát bệnh có thể thấy cơ thể mệt mỏi, sốt, có rối loạn cảm giác hoặc thấy đau rát, châm chích ở da. Sau đó xuất hiện các đám da đỏ, 1 - 3 ngày sau xuất hiện các mụn nước, trông như vết phỏng nước và mọc chi chít như chùm nho trên đám da đỏ. Đặc điểm quan trọng nhất để nhận biết zona là vị trí tổn thương, thường bị ở một bên cơ thể, dọc theo đường đi của của dây thần kinh, hiếm khi bị nhiều hơn một dây thần kinh. Bệnh nhân rất đau nhức, đau nhức xuất hiện ngay từ khi chưa có các biểu hiện trên da và tồn tại lâu dài, ngay cả khi bệnh nhân đã chữa khỏi bệnh.
BS. Bùi Thị Vân