Mùa hè sắp tới cũng là mùa thuận lợi để một số dịch bệnh truyền nhiễm phát triển. Dưới đây là chia sẻ của ThS.BS.Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương về những ảnh hưởng của bệnh truyền nhiễm đối với người người bệnh và cộng đồng cũng như cách chăm sóc sức khỏe và dự phòng bệnh.
PV: Thưa bác sĩ, mùa hè sắp tới cũng là mùa mà nhiều dịch bệnh hoành hành. Xin bác sĩ cho biết các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong thường gặp trong mùa này là gì?
ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp: Mùa hè là mùa mưa, thuận lợi cho muỗi sinh sôi nên thường có sự gia tăng của những bệnh lý do muỗi truyền như sốt xuất huyết. Ngoài ra, sang mùa quả chín, kéo theo một số loàichim ăn quả mang mầm bệnh viêm não Nhật bản B di cư về, nên cũng có nguy cơ gia tăng bệnh viêm não Nhật bản Bở nhóm những người chưa được tiêm phòng và chưa có miễn dịch.
Trong mùa hè, nhiệt độ môi trường tăng cao, thức ăn dễ ôi thiu, nên nguy cơ bị nhiễm trùng nhiễm độ thức ăn cũng có thể gia tăng, đặc biệt đối với thức ăn đường phố và các đơn vị cung cấp xuất ăn công nghiệp nếu không đảm bảo tót vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời các bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa như tả, lỵ thương hàn, tay chân miệng, tiêu chảy di lịch cũng thường gia tăng trong mùa hè.
Ở khu vực Trung du và miền núi, mưa lũ ngập nước dẫn đến sự di cư của các loại côn trùng như mò, bọ ve lên các vùng đất cao không ngập nước, làm gia tăng số lượng của chúng ở những khu vực này. Điều đó có thể dẫn đến gia tăng nguy cơ bị bệnh do mò đốt truyền như ricketsia ở những người làm nương hay du lịch đến những vùng đất này.
PV: Những bệnh này ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh như thế nào và có nguy cơ gì đối với cộng đồng, thưa bác sĩ?
ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp: Tùy theo từng bệnh mà sẽ có ảnh hưởng nhiều hay ít tới sức khỏe của bệnh nhân. Chẳng hạn như sốt xuất huyết là một bệnh dịch lưu hành, có khả năng gây thành dịch lớn. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể sau 3-4 ngày thì lui sốt nhưng cũng có thể xuất hiện các biến chứng nặng như sốc dengue, hạ tiểu cầu máu nặng gây xuất huyết dưới da, niêm mạch và xuất huyết nội tạng. Những trường hợp có biến chứng như trên sẽ rất nguy hiểm và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Cá biệt có những trường hợp diễn biến bất thường, bệnh tiến triển nhanh, trầm trọng, gây suy đa phủ tạng và tử vong ngay cả khi được điều trị kịp thời và tích cực. Bệnh viêm não Nhật bản B, có thể gây tổn thương não cho bệnh nhân nhiều mức độ khác nhau. Những trường hợp nặng có thể hôn mê sâu, co giật, xoắn vặn và tỷ lệ tử vong có thể đến 10-20% số bệnh nhân. Những trường hợp bệnh nhân may mắn không tử vong thì vẫn có thể có những di chứng trầm trọng như rối loạn tâm thần vận động, chậm phát triển trí tuệ, liệt chân tay, méo miệng hay động kinh, co giật về sau.
Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ nhỏ và đa số thường nhẹ và tự khỏi sau 5-7 ngày, nhưng cá biệt có những trường hợp diến biến nặng gây viêm não, viêm cơ tim, phù phổi và có thể tử vong. Các trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn thường xảy ra lẻ tẻ. Người bệnh có thể bị đau bụng, sốt, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy trong vài ngày. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp dịch xảy ra trong các bếp ăn tập thể hay các bữa cỗ lớn có thể làm hàng trăm người mắc, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và lao động của các cơ quan xí nghiệp bị dịch bệnh.
Và các bệnh truyền nhiễm thường gây ra những vụ dịch lớn, nó không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người dân và tình hình kinh tế, xã hội của địa phương bị dịch mà còn còn gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Ngành y tế và các bệnh viện cũng phải vào cuộc với cường độ làm việc gấp nhiều lần, bệnh viện luôn quá tải…
PV: Bác sĩ hãy hướng dẫn người dân về biện pháp dự phòng việc lây truyền bệnh?
ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp: Cũng tùy theo đường lây truyền mà chúng ta có thể có các biện pháp dự phòng.Với những bệnh đã có vắc xin (như viêm não Nhật Bản B) thì cách tốt nhất là tiêm phòng. Những bệnh lây truyền qua muỗi đốt thì cần chủ động dự phòng muỗi đốt bằng ngủ màn, diệt muỗi, diệt loăng quăng...
Biện pháp thứ hai là cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở và nơi làm việc. Cần đảm bảo vệ sinh ăn uống và nguồn nước. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Động vật cũng là nguồn lây truyền bệnh, do đó nếu trong gia đình có vật nuôi, cần đảm bảo chúng được tiêm đầy đủ và kiểm tra sức khỏe. Giữ cho trẻ em và người già tránh xa chất thải của động vật, bởi đây cũng là nguồn lây bệnh cho con người. Các loại động vật hoang dã có thể mang mầm bệnh và truyền bệnh cho con người như bệnh dại, cúm gia cầm; bọ chét, ve truyền bệnh dịch hạch và bệnh phát ban Lyme. Hãy làm vệ sinh cho căn nhà và khu vực xung quanh nhà của bạn để tránh xa các loài động vật gặm nhấm và các động vật khác. Cha mẹ cần dạy cho các em nhỏ trong gia đình phải thận trọng khi gặp phải động vật hoang dã.
Ngoài ra, người dân cần nâng cao hiểu biết bằng cách theo dõi tin tức hàng ngày. Việc làm này sẽ giúp bạn có kiến thức về những gì đang xảy ra xung quanh, từ đó có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách tránh xa các vùng dịch hoặc có những biện pháp bảo vệ bản thân.
PV: Bác sĩ hãy khuyên người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trước các bệnh truyền nhiễm?
ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp: Như trên đã nói, mùa hè với thời tiết nóng bức là môi trường thuận lợi để nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát. Cách để bảo vệ sức khỏe chính là tăng cường sức đề kháng. Sức đề kháng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Nó chính là “vũ khí” giúp kháng lại các virus, tác nhân gây bệnh. Khi sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch của cơ thể trở nên rệu rã, mệt mỏi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Cách tăng cường sức đề kháng cũng không phải là khó thực hiện. Trước hết, bạn cần phải có các thói quen như sau:
Uống nhiều nước: Nên uống các loại nước không cồn, không có gas, uống các loại nước trái cây… để bù đắp sự mất nước và duy trì lượng nước trong cơ thể. Không nên uống nhiều nước lạnh.
Hạn chế ra ngoài: Khi thời tiết nóng bức, không nên ra ngoài đường khi không có việc. Khi buộc phải ra ngoài đường thì cần bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời.
Tắm nước mát: Nên tắm bằng nước mát ngày 2-3 lần để làm mát cơ thể và loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn.
Mặc trang phục phù hợp: Nên mặc quần áo nhẹ, sáng màu, đặc biệt là bằng chất liệu cotton.
Tránh làm việc quá tải: Làm việc quá tải khiến cho cơ thể mệt mỏi - đây chính là cơ hội để bệnh tật tấn công bạn.
Hình thành thói quen ngủ tốt: Giấc ngủ rất quan trọng tới sự phát triển và hoạt động hàng ngày của cơ thể người đồng thời giúp trẻ tăng chiều cao.
Dinh dưỡng đầy đủ: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin khiến cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng
Không lạm dụng thuốc kháng sinh: Dùng quá nhiều thuốc kháng sinh khiến cơ thể sản sinh ra kháng thể và gây ra tình trạng “nhờn thuốc” khiến cơ thể không thể chống lại được những vi khuẩn gây hại này.
Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ này!
Thu Hà (thực hiện)