Hơn khi nào hết, đến tận giờ phút này tôi vẫn giữ cho mình tình yêu với nghề mà tôi đã chọn, biết là nó lắm chông gai, nhiều người xem nhẹ nhưng cũng được không ít người tôn vinh vì là nghề cao quý!
Hơn khi nào hết, đến tận giờ phút này tôi vẫn giữ cho mình tình yêu với nghề mà tôi đã chọn, biết là nó lắm chông gai, nhiều người xem nhẹ nhưng cũng được không ít người tôn vinh vì là nghề cao quý! Người ta thường nhắc tới câu “Lương y như từ mẫu” khi nhắc tới ngành y, nghề thầy thuốc. Và cũng từ lâu, điều đó đã được xem là điều cốt lõi trong đạo đức nghề y, bởi nghề y là một nghề đặc biệt hơn rất nhiều so với những nghề khác.
Thấm thoắt thời gian trôi nhanh, một cô gái thấp thỏm, chân ướt chân ráo đến với môi trường làm việc mới, bắt tay vào với những cái mới lạ, về một chuyên ngành mà có lẽ chưa bao giờ dám nghĩ đến, chuyên ngành phục hồi chức năng.
Về với Cửa Lò là về với biển, nhắc đến biển cả, người ta nhớ đến ngay nguồn tài nguyên thủy hải sản, là nhắc đến địa điểm vui chơi thu hút khách du lịch trên mọi nẻo miền Tổ quốc. Ở nơi này, trước bãi biển dài là con đường xanh, sạch đẹp, ở đó mọc lên một bệnh viện với mô hình khách sạn: xanh - sạch - đẹp - khang trang. Ở nơi đây, tôi được làm việc với những người bạn thân thiện, chất phác và mộc mạc nhưng trong họ luôn toát lên vẻ đẹp của tình người.
Bác sĩ phục hồi chức năng tuy vất vả nhưng luôn yêu nghề.
Người ta thường bảo phận nữ nhi thì luôn chỉ biết đến những việc nhỏ nhặt, hoặc chỉ đến một ngưỡng cửa nào đó của cuộc sống, thế nhưng ở nơi đây tôi lại hoàn toàn nghĩ khác, có lẽ không chỉ riêng bản thân tôi, mà là tất cả chúng tôi, những con người chung sống dưới một mái nhà Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An.
Do đặc thù nghề nghiệp nên nghề y phải học không ngừng và có lẽ là một trong số ít các ngành nghề phải học hành nhiều và vất vả nhất. Được làm việc dưới mái nhà phục hồi chức năng, chúng tôi luôn được học hỏi và tiếp xúc từ các chuyên gia đầu ngành như GS.TS. Cao Minh Châu - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Bạch Mai kiêm Trưởng Bộ môn Phục hồi chức năng Đại học Y Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Văn Chương - Chủ tịch Hội Chống đau Hà Nội, Chủ nhiệm Bộ môn Nội thần kinh học, Bệnh viện 103)... Chúng tôi được học về các phương pháp phục hồi chức năng bài bản nhất, những bài giảng về hệ thần kinh, những phương pháp tối ưu nhất để chữa các bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, Parkinson, tai biến mạch máu não, đặc biệt là phương pháp chống đau hiệu quả và nhanh nhất - tiêm ngoài màng cứng, phong bế... của các thầy. Hướng tới vì một mục đích chung giữa những con người ngành y với nhau là truyền tải những gì tốt nhất, chất lượng nhất cho người bệnh. Còn gì quý và đáng giá hơn khi chúng tôi luôn được học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia hàng đầu ngay tại bệnh viện nơi chúng tôi làm việc. Điều đáng mừng hơn nữa, với sự quan tâm của Giám đốc bệnh viện, chúng tôi được học và thị phạm với các thầy ngay tại bệnh viện, mỗi tháng 1 tuần!
Nếu nói về lao động chân tay, có thể chúng tôi không phải làm việc mang vác nặng nhưng với cường độ làm việc căng thẳng, liên tục trong thời gian dài, phải nói nghề y cao quý này còn nặng hơn cả lao động chân tay. Chúng tôi thường xuyên thực hiện những bài vật lý trị liệu xoa bóp, bấm huyệt, trông nhẹ nhàng thế thôi nhưng cực kỳ tốn sức.
Ở bệnh viện, chúng tôi nhận được tình yêu giữa con người với con người, nhìn thấy được sự ấm áp khi các ông bà xem chúng tôi như những người con, người cháu. Hàng ngày, chúng tôi chữa trị những cơn đau về già và có những bệnh nhân của chúng tôi tuổi đời còn rất trẻ.
Thế đấy, đến với bệnh viện nơi tôi đang làm việc tràn ngập nụ cười, đôi khi có cả những giọt nước mắt, nước mắt hạnh phúc cũng có, buồn cũng có, có những cảnh người bệnh đến ngày ra viện mà nước mắt nước mũi chảy ròng ròng chỉ vì không muốn xa lũ trẻ bọn tôi, chúng tôi tình cảm đến thế đấy các anh chị ạ.
Có lẽ từ trước đến nay đã theo một lề lối nhất định mà chúng tôi đặt ra cho mục tiêu của mình “Người bệnh đến tiếp đón niềm nở, người bệnh về ân cần quan tâm, dặn dò chu đáo” và đến với khẩu hiệu “Người bệnh là người nhà”. Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An là nơi nuôi dưỡng, là nơi cho chúng tôi rèn đức, luyện tài...
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thái