Chị Thái bị đi tiêu chảy đã mấy ngày không hết. Chị đoán là do bữa liên hoan mừng tân gia, chị ăn món cuốn với nhiều rau sống mà không đảm bảo vệ sinh.
Chị Thái bị đi tiêu chảy đã mấy ngày không hết. Chị đoán là do bữa liên hoan mừng tân gia, chị ăn món cuốn với nhiều rau sống mà không đảm bảo vệ sinh. Nghe nói khi bị tiêu chảy thì không nên uống thuốc cầm tiêu chảy hoặc kháng sinh gì vội, mà cứ để tống hết phân “xấu” ra ngoài cơ thể và chỉ cần uống bù nước điện giải là được. Vậy nên chị cũng kiên trì đến ngày thứ 3 thì vừa mệt vừa khó chịu, lại thêm đau bụng không bớt nên chị không chịu nổi nữa. Ra hiệu thuốc mua thuốc cotrimoxazol về uống được khoảng 2 tiếng thì chị thấy ngứa ngáy khó chịu, bắt đầu từ bàn tay, bàn chân... Chị càng gãi lại càng ngứa và còn nổi nốt ban đỏ chằng chịt toàn thân, rồi chị cảm giác ngạt mũi, khó thở, vương vướng ở trong cổ họng, mặt sưng húp...
Gọi cho bác sĩ ngay lúc đó, chị được hướng dẫn uống một viên telfast rồi vội sang trung tâm bác sĩ gia đình. Tại đây, chị được truyền nước và đến chiều thì các triệu chứng của dị ứng thuốc qua đi, chị được về nhà cùng với đơn thuốc điều trị tiêu chảy.
BS. Hoàng Mai Phương (Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội) cho biết: Cotrimoxazol là kháng sinh trong nhóm sulfamid. Đây là thuốc chống nhiễm khuẩn có phổ kháng khuẩn rộng, do vậy, thuốc được chỉ định trong khá nhiều bệnh như bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa... Nhưng khi dùng thuốc phải chú ý đến các tác dụng phụ, bao gồm: buồn nôn, nôn, tiêu chảy dị ứng da, mẩn đỏ, viêm da đến rất nặng như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell (thường gặp với loại các sulfamid chậm)... Đối với bệnh nhân khi đang dùng thuốc này, nếu gặp phải một trong những dấu hiệu trên thì cần ngừng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ, và lần sau không được dùng lại thuốc này.
Là người cũng rất cẩn trọng khi dùng thuốc, chị Thái biết dị ứng thuốc là một phản ứng rất có hại, thế mà chẳng hiểu sao lần này chị lại chủ quan đến thế. Lúc này chị cũng chợt nhớ ra rằng, trước đây đã lâu lắm rồi, khi chị uống biseptol để điều trị viêm đường hô hấp cũng đã bị dị ứng rồi, nhưng chị lại quên mất. Có lẽ vì vậy mà lần này cơ thể chị mới bị phản ứng mạnh như vậy, bởi khi đã dị ứng với một loại thuốc nào đó thì lần sau tuyệt đối không được dùng lại thuốc đó nữa vì dị ứng lần sau sẽ nặng hơn lần trước. Giờ chị mới biết cotrimoxazol và biseptol là hai thuốc có tên khác nhau nhưng lại có cùng thành phần hoạt chất là sulfamethoxazol và trimethoprim.
Minh Châu