Viêm mũi hay viêm mũi dị ứng rất thường gặp trong thai kỳ nhưng phụ nữ mang thai lại là một trong những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc.
Viêm mũi hay viêm mũi dị ứng rất thường gặp trong thai kỳ nhưng phụ nữ mang thai lại là một trong những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc. Vậy những loại thuốc nào có thể trị viêm mũi cho bà bầu và cần lưu ý gì khi dùng chúng?
Vì sao bị viêm mũi trong thai kỳ?
Viêm mũi dị ứng (IAR) trong khi mang thai không nhất thiết phải là do việc tiếp xúc với chất gây dị ứng. Ước tính lên đến 20% triệu chứng thai kỳ được cho là có liên quan đến các tác động của nồng độ estrogen và yếu tố tăng trưởng của nhau thai trên niêm mạc mũi. Viêm mũi thai kỳ có thể bắt đầu trong bất kỳ tuần thai nào nhưng mức độ nghiêm trọng có thể tăng trong ba tháng cuối khi nồng độ estrogen trong máu tăng. Vấn đề này có xu hướng tự kiểm soát và triệu trứng thường tự mất sau khi sinh, vì vậy, điều quan trọng là xác định viêm mũi ở phụ nữ mang thai có liên quan đến chất gây dị ứng hay không. IAR có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, ngứa mũi gây khó chịu rõ rệt. Ngoài ra, bệnh còn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như gây mất ngủ, ngáy, ngưng thở khi ngủ và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Có rất ít loại thuốc dùng để điều trị IAR được cấp phép sử dụng trong thai kỳ. Hơn nữa, các lựa chọn điều trị phải phụ thuộc vào các triệu chứng chủ yếu, mức độ nghiêm trọng và dai dẳng để xác định liều lượng và thời gian sử dụng.
Phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc trị viêm mũi.
Một số loại thuốc tại chỗ thường dùng
Corticosteroid: Dạng xịt mũi như beclometasone, budesonide và fluticasone là lựa chọn điều trị cho IAR trong khi mang thai đặc biệt là khi triệu chứng nghẹt mũi trầm trọng hoặc đợt cấp xuất hiện thường xuyên.
Thuốc nhỏ mắt và mũi: Thường sử dụng là natri cromoglicate, thuốc này được coi là liệu pháp đầu tiên cho điều trị viêm mũi dị ứng trong thai kỳ, đặc biệt là ba tháng đầu. Ở liều điều trị, thuốc nhỏ mắt natri cromoglicate hấp thu kém qua bề mặt niêm mạc (khoảng 0,03% được hấp thụ) và lượng thuốc hấp thu vào hệ tuần hoàn là rất nhỏ.
Thuốc kháng histamine đường uống: Đặc biệt thích hợp để làm giảm các triệu chứng gây ra qua chất trung gian histamin, bao gồm các triệu chứng ở mắt, chảy nước mũi, hắt hơi và ngứa mũi, nhưng ít gây nghẹt mũi. Các thuốc này có được hấp thu vào hệ tuần hoàn và vì thế so với việc điều trị bằng chế phẩm đường tại chỗ, dạng uống này được coi là liên quan đến nguy cơ với thai nhi cao hơn. Trước đây, thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai vì thiếu dữ liệu an toàn. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dữ liệu có sẵn ủng hộ cho việc sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai cho thai kỳ.
Thuốc kháng histamin dạng xịt mũi: Thuốc có hiệu quả trong việc giảm ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và nghẹt mũi nhưng không cải thiện các triệu chứng ở mắt. Tại Anh, azelastine là thuốc kháng histamin dạng xịt mũi duy nhất được cấp phép sử dụng, tuy nhiên, dữ liệu về sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai trên người vẫn còn thiếu nhưng cho đến nay, không có bằng chứng nào chỉ ra việc sử dụng thuốc trong thai kỳ với mức liều khuyến cáo có liên quan đến tăng nguy cơ các tác dụng bất lợi thai kỳ.
Thuốc thông mũi giao cảm dạng uống và dạng xịt: Thuốc thông mũi có lợi ích hạn chế trong IAR và thường chỉ được khuyến cáo để giảm nghẹt mũi trước khi sử dụng corticosteroid tại chỗ.
Một số lưu ý khi dùng thuốc
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Khi kê đơn điều trị viêm mũi cho phụ nữ mang thai, bác sĩ đã cân nhắc rất kỹ giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc nên cần tuyệt đối làm đúng hướng dẫn về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Chẳng hạn dùng thuốc thông mũi giao cảm kéo dài có thể gây tắc nghẽn dữ dội hơn khi dừng lại (viêm mũi medicamentosa).
Không tự ý dùng thuốc: Phụ nữ mang thai là trường hợp đặc biệt khi dùng thuốc nên trong bất kỳ tình huống nào cũng không nên dùng thuốc mà không có tư vấn của bác sĩ hay sử dụng thuốc của người khác. Thuốc xylometazoline là thuốc có tác dụng thông mũi, ít có khả năng gây bất lợi cho thai nhi nhưng do dữ liệu để sử dụng trong thời kỳ mang thai còn hạn chế nên việc sử dụng thuốc được khuyến cáo sau 3 tháng đầu của thai kỳ.
Ngoài ra, hiện nay cùng với việc dùng thuốc, người bị viêm mũi còn áp dụng các liệu pháp điều trị bổ sung và thay thế, chẳng hạn như bổ sung vi lượng, các loại thuốc thảo dược và châm cứu để điều trị viêm mũi dị ứng đang khá phổ biến và nhiều bệnh nhân khá hài lòng. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng để chứng minh cho tính hiệu quả của các phương pháp điều trị đó do còn thiếu dữ liệu lâm sàng và chưa đủ thông tin đáng tin cậy nên phụ nữ mang thai được khuyên nên tránh tất cả các phương pháp điều trị như vậy trong suốt thai kỳ.
DS. Lê Thị Hằng Nga