Phụ nữ mang thai luôn được khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc. Tuy nhiên, bạn sẽ phải ngạc nhiên về mức độ phổ biến sử dụng thuốc của phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Phụ nữ mang thai luôn được khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc. Tuy nhiên, bạn sẽ phải ngạc nhiên về mức độ phổ biến sử dụng thuốc của phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Trong nghiên cứu “Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh quốc gia” - nghiên cứu lớn nhất nước Mỹ nhằm xem xét các nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh, TS. Mitchell và cộng sự đã phát hiện ra rằng hơn 70% phụ nữ dùng ít nhất 1 loại thuốc không kê đơn (OTC) hoặc kê đơn trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Xu hướng sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ đã tăng lên đáng kể trong suốt 30 năm qua. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng 4 loại thuốc trở lên tăng gấp 3 lần và sử dụng thuốc kê đơn đã tăng lên 60%. Theo thống kê, các thuốc kê đơn và không kê đơn mà phụ nữ mang thai thường dùng là: kháng sinh (amoxicilin, penicillin, erythromycin,...), doxylamine/vitamin B6, progesterone, loratadine, levothryroxine,...
Tại Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê nhưng thực tế thì hiện tượng sử dụng các thuốc OTC như vitamin, sắt hoặc các chế phẩm thực phẩm chức năng là rất nhiều.
Phụ nữ mang thai khi dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: Trần Minh
Những nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi
Rất khó để xác định nguy cơ xảy ra biến cố bất lợi với thai nhi liên quan đến sử dụng thuốc. Hiện tại, chúng ta không có đủ dữ liệu từ các nghiên cứu trên con người và động vật, báo cáo lâm sàng, theo dõi sau khi thuốc được sử dụng trên thị trường... để phục vụ cho việc đánh giá. Nghiên cứu về nguy cơ gây dị tật bẩm sinh bởi thuốc trong thời kỳ mang thai do nhóm chuyên gia của Đại học Washington và Bệnh viện nhi Seattle cho ra kết quả bất ngờ. Sử dụng hệ thống đánh giá rủi ro TERIS trên tổng số 172 loại thuốc đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt từ năm 2000 đến năm 2010, cho thấy nguy cơ gây quái thai trong thai kỳ của người ở 168 loại thuốc (97,7%) là “chưa xác định đầy đủ”. Hơn nữa, 126 (73,3%) loại trong số này “không có” hoặc có rất ít dữ liệu về an toàn cho phụ nữ mang thai.
Vì sao thuốc ảnh hưởng đến thai nhi?
Một số yếu tố ảnh hưởng đến số mức độ tác động của thuốc đến thai nhi bao gồm: dược động học của người mẹ, dược lý học của thuốc, vận chuyển thuốc tích cực vào tuần hoàn nhau thai và khả năng đào thải ở thai nhi. Hậu quả tác động của thuốc đến thai nhi phụ thuộc vào trạng thái phôi thai. Sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ, thời kỳ hình thành và biệt hóa các cơ quan của trẻ, có khả năng gây quái thai nhiều nhất.
Mặc dù thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đều được kiểm tra về độ an toàn chung trước khi được phê chuẩn bởi FDA, nhưng hầu hết các thử nghiệm thuốc đều không tiến hành trên phụ nữ có thai (loại trừ ngay từ đầu hoặc ngưng nếu có thai trong quá trình thử nghiệm), chỉ trừ các thuốc sử dụng đặc hiệu cho thai kỳ. Một số loại thuốc có tiến hành thử nghiệm trên động vật có thai nhưng kết quả có thể không đại diện đầy đủ cho quá trình và sự phát triển của con người. Bởi vậy, thông tin liên quan đến sự an toàn của thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đối với thai nhi đang rất hạn chế, đặc biệt đối với các loại thuốc mới xuất hiện trên thị trường.
Hơn nữa, với các thực phẩm chức năng, dữ liệu an toàn trên lâm sàng thậm chí còn hạn chế hơn, nên quyết định sử dụng cho phụ nữ có thai còn mang nhiều thách thức hơn nữa.
Làm sao để tránh dùng thuốc không an toàn khi mang thai?
Tất cả phụ nữ có thai cần được tư vấn để biết rằng: Thông tin an toàn và hướng dẫn chung về việc sử dụng thuốc trong thai kỳ có thể tìm thấy trên tờ “Thông tin thuốc” có trong hộp của tất cả các loại thuốc. Cần đọc kỹ thông tin này cũng như xin tư vấn của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng. Với nhân viên y tế, nên tham khảo ý kiến của nhiều nguồn khi đánh giá sự an toàn của việc sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai và trước khi mang thai. Trong đó phải kể đến bảng phân loại thuốc theo các nhóm nguy cơ khi sử dụng thuốc với thai nhi (A, B, C, D và X) do FDA phát triển hoặc các hệ thống phân loại khác cũng như các tài liệu tham khảo khác được phát triển sau đó.
Để củng cố cơ sở dữ liệu an toàn trên thai kỳ, các bác sĩ lâm sàng nên khuyến khích bệnh nhân nữ đã sử dụng thuốc hoặc buộc phải sử dụng thuốc trong thai kỳ tham gia vào những nghiên cứu hoặc khảo sát lâm sàng. Bản thân bác sĩ cần nhanh chóng báo cáo các tác động bất ngờ hoặc dị tật bẩm sinh có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai tới các cơ quan y tế liên quan.
Xác định nguy cơ của thuốc với thai nhi là một vấn đề phức tạp và đầy thử thách với bác sĩ lâm sàng. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho thai nhi, phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai nên được tư vấn để hỏi ý kiến các chuyên gia y tế về bất kỳ loại thuốc nào (kể cả OTC), thực phẩm chức năng hoặc thảo dược.
DS. Nguyễn Hải