Một trong những hành vi bị xử phạt hành chính rất cao gần đây khiến dư luận rất quan tâm - đó là hành vi “tiểu bậy”.
Một trong những hành vi bị xử phạt hành chính rất cao gần đây khiến dư luận rất quan tâm - đó là hành vi “tiểu bậy”. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng thì từ 1/2/2017, mức phạt tiền sẽ tăng gấp 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng. Và “mở màn” là vào ngày 13/2, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã xử phạt 3 tài xế taxi tè bậy mỗi người 2 triệu đồng.
Đa số ý kiến thể hiện sự đồng tình và cho rằng cần đẩy mạnh việc xử phạt các hành vi tương tự để góp phần nâng cao văn hóa của người dân, tuy nhiên, vụ việc xử phạt khiến nhiều người lo lắng, nhất là những người làm việc liên tục ngoài đường như lái xe, xe ôm, hàng rong...
Xử phạt nghĩa là xử lý hành vi cố tình không chấp hành quy định khi có thể, vậy số lượng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) hiện nay có đủ đáp ứng được “mọi lúc mọi nơi” hay chưa? Nếu chưa mà đã xử phạt thì liệu có nhiều người bị “oan”?
Nhiều lái xe taxi cho biết, họ không hề muốn “đi bậy” một chút nào bởi lẽ đỗ xe sai quy định đã đành, rồi lại lo nọ lo kia trong khi bỏ ra vài ngàn đồng đi vệ sinh chẳng phải to tát gì. Nhưng có những NVSCC luôn khóa cửa, đặc biệt là ban đêm thì hầu hết người ta không thể sử dụng NVSCC.
Một số tài xế xe ôm cũng lo ngay ngáy vì có những hôm ế khách, ngồi chơi dài nhưng cái khoản kia thì nó vẫn “hoạt động” liên tục cho nên di chuyển đi tìm NVSCC đã đủ mệt, chưa kể nhiều nơi không có hoặc cách quá xa NVSCC, lúc đó họ đành liều.
Trên thực tế, hiện nay ở hầu hết các tuyến phố Thủ đô rất ít điểm NVSCC, một số NVSCC đặt không hợp lý, bị che khuất, một số có nhưng cửa đóng suốt ngày hoặc bị lấn chiếm bởi hàng quán. Thêm vào đó, nhiều NVSCC chỉ hoạt động đến 19 giờ tối và vô cùng bẩn thỉu, mất vệ sinh. Có những tuyến phố dài như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Âu Cơ…, mật độ đông, tắc đường thường xuyên, nếu đi xe máy còn có thể tạt ngang, còn đi ôtô thì quả là nan giải nếu tài xế trót mang “nỗi buồn”.
Ngay cả lực lượng xử lý, Thiếu úy Trần Văn Phương - Đội Cảnh sát môi trường - Công an quận Hoàng Mai cũng cho rằng, để pháp luật được thực thi nghiêm minh và người vi phạm “tâm phục” thì cũng nên nghiên cứu lắp đặt thêm NVSCC cho người dân.
Lan Phương