Giấc mơ là sản phẩm vô hình, nhưng lại có giấc mơ tạo ra những phát minh vĩ đại, thậm chí còn làm thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của nhân loại.
Giấc mơ là sản phẩm vô hình, nhưng lại có giấc mơ tạo ra những phát minh vĩ đại, thậm chí còn làm thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của nhân loại.
Theo chuyên gia giấc ngủ người Mỹ Eugene Asesinsky (1922-1998), trong giấc ngủ có nhiều giấc mơ. Trung bình, 3- 4 giấc mơ một đêm, độ dài ngắn không đồng nhất, thấp thì từ 10 - 20 phút, lâu có thể tới 90 phút, nhưng cũng có giấc mơ khi thức lại nhớ rất rõ hoặc quên ngay. Có không ít giấc mơ chứa đựng một phần tình tiết, sự kiện đã diễn ra hoặc sẽ diễn ra trong tương lai.
Khoảng 80% giấc mơ là ác mộng với các sự kiện không mong đợi, thậm chí là bi kịch hay thảm họa, 1/3 số người trên thế giới từng có giấc mơ báo mộng.
Phát hiện cấu trúc phân tử dạng vòng của cacbon
Friedrich August Von Kekule (1829-1896), người Đức, một trong những nhà hóa học nổi tiếng nhất châu Âu thế kỷ XIX, tên tuổi ông gắn liền với Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất, giáo sư hóa học ở Gand (Bỉ) năm 1858. Ông tạo ra thuyết hoá trị 4 của cacbon, cha đẻ giả thuyết các liên kết bội của cacbon, phân biệt hợp chất mạch hở và hợp chất mạch vòng, đề xuất công thức 6 cạnh của benzen. Ông còn là tác giả của phương pháp kinh điển điều chế phenol và nhiều tổng hợp hữu cơ khác.
Thomas Edison - một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử.
Năm 1865, trong một giấc mơ Kekule đã thấy hình ảnh của những con rắn quay tròn, hướng ông nghĩ tới cấu trúc phân tử hoá học dạng vòng của các nguyên tử carbon và đã phát hiện ra cấu trúc phân tử của benzen với 6 nguyên tử CO xếp thành vòng tròn theo kiểu “Hội vòng benzen”.
Kekule đã kể về giấc mơ vòng 6 cạnh khép kín như sau: “Một lần tôi ngồi viết sách nhưng không sao làm việc được, đầu óc cứ tập trung vào chuyện khác. Tôi quay ghế về phía lò sưởi và thiu thiu ngủ, trong khi chợp mắt hình ảnh các nguyên tử, từng nhóm nhỏ dính nhau lờ mờ hiện ra. Những hình tượng ấy cứ lặp đi lặp lại rồi dần dần hiện lên đậm nét trong một bức tranh phức tạp. Đó là những chuỗi nguyên tử dài luôn chuyển động, nhiều lần kết lại giống như những con rắn lượn vòng. Và rồi kia! Một trong những con rắn ấy cắn vào đuôi nhau tạo thành vòng khép kín nhảy múa trước mắt tôi. Như bị sét đánh, tôi bừng tỉnh và thức hết đêm để hoàn thành lý thuyết của mình”. Nhân sự kiện này, Kekule nhắn nhủ “Các bạn trẻ, hãy học cách nằm mơ và sau đó sẽ tìm thấy sự thật... , chỉ có điều là đừng vội công bố các giấc mơ trước khi chúng được kiểm chứng bằng chính các sáng tạo của bản thân”.
Ra đời máy hát có loa
Thomas Edison, tên thật là Thomas Alva Edison (1847 -1931) nhà phát minh kiêm thương gia nổi tiếng, cha đẻ của rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhân loại thế kỷ XX, được dư luận tôn vinh “phù thủy đến từ Menlo Park”. Edison được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử khoa học của nhân loại, chủ nhân của 1.093 bằng sáng chế các loại.
Phát minh đầu tiên của ông là một chiếc máy điện báo tải hai có khả năng cùng một lúc phát đi hai tin. Ít lâu sau, ông cải tiến thành máy tải ba, tải tư rồi đa tải. Phát minh thứ hai của ông là cải tiến chiếc máy điện báo đa tải thành hệ thống điện báo nhận các tin tức hối đoái ngân hàng. Đằng sau những phát minh này, công chúng không thể ngờ rằng chúng lại bắt nguồn từ những giấc mơ mang tính “ma thuật” và chuyển thành những sản phẩm hữu hình. Ví dụ chiếc máy quay đĩa đầu tiên của ông phát minh nó được tạo ra từ một ý tưởng lạ có trong giấc mơ. Trong mơ, Edison đã sử dụng một thiết bị có thể phát ra âm thanh giống như giọng nói của con người và từ giấc mơ này đã thôi thúc ông tìm tòi, cho ra đời chiếc máy hát có các trụ bọc thiếc với chiếc loa khổng lồ, tiền thân cho chiếc máy hát hoàn thiện về sau.
Sáng kiến ra lỗ kim của máy khâu
Tiến sĩ cơ khí người Mỹ, người đã phát minh ra chiếc máy khâu đầu tiên của nhân loại, sản phẩm rất quen thuộc với phụ nữ và những người nội trợ, nó được ra đời năm 1846. Trước đó đã có nhiều phát minh tương tự về máy khâu được ra đời nhưng chưa hiệu quả. Ý tưởng ra đời chiếc máy khâu hoàn hảo được Howe ấp ủ từ lâu và ông đã bỏ ra khá nhiều công sức để nghiên cứu, duy chỉ có chi tiết “xe chỉ luồn kim” Elias Howe lại gặp nhiều khó khăn.
Thế rồi vào một ngày kia, Elias Howe đã có một giấc mơ lạ kỳ, trong mơ ông thấy mình đã bị bắt bởi một nhóm thổ dân da đỏ, chúng vây lấy ông và nhảy múa theo đúng nghi thức hành hình của thổ dân. Trên tay của những thổ dân này là một chiếc giáo và Howe để ý thấy trên đầu mũi giáo nhọn hoắt lại có một lỗ nhỏ. Khi tỉnh giấc, Howe không bị ám ảnh bởi giấc mơ rùng rợn mà điều làm ông nhớ nhất chính là cái lỗ trên đầu mũi giáo. Với tư duy cơ khí, Elias Howe đã nghiên cứu và nghĩ về chiếc kim máy khâu mà ông đang thiết kế. Thay vì tạo lỗ ở đáy giờ đây Elias đã thay nó bằng chiếc lỗ ở đầu. Nhờ cải tiến này, tốc độ của máy khâu nhanh hơn so với kiểu thiết kế cũ và từ đây máy khâu tiêu chuẩn được ra đời.
Sản phẩm của Elias được cấp bằng sáng chế số 4.750 của Mỹ ngày 10/9/1846 (United States Patent 4.750). Với ba chi tiết độc đáo, gồm kim có lỗ luồn chỉ ở đầu, quá trình vận hành được điều khiển từ dưới lên để tạo ra mũi chỉ kép kín và ba là vận hành tự động.
Khắc Hùng
((Theo Dailymai/LC/WP))