Cuối năm nào cũng vậy, các doanh nghiệp (DN) phải dốc sức hoàn thành các đơn hàng đã ký kết theo hợp đồng, hoặc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết...
Cuối năm nào cũng vậy, các doanh nghiệp (DN) phải dốc sức hoàn thành các đơn hàng đã ký kết theo hợp đồng, hoặc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết... từ đó nhu cầu lao động tăng cao. Nhưng cũng vì tất cả đều tập trung vào một thời điểm, nên việc “khát” lao động thời vụ là khó khăn mà bất cứ DN nào cũng đối mặt...
Ông Nguyễn Văn Thời, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản ở Bạc Liêu tỏ ra lo lắng: “Tuy công ty đã có hàng trăm lao động chính, nhưng vẫn phải tăng cường thêm do cuối năm các đơn hàng tăng đột biến. Thiếu hơn 100 lao động. Tuy đã lường trước tình hình và tuyển dụng sớm, nhưng vẫn không thể đủ, bởi lao động còn phải đáp ứng các điều kiện công ty nữa”.
Điểm lại, các công ty sản xuất hàng hóa, dịch vụ, các DN thuộc ngành chế biến xuất nhập khẩu thủy sản, may mặc, xây dựng, du lịch - dịch vụ... luôn “khát” lao động vào dịp cận Tết. Và họ làm đủ mọi cách để bù lấp thiếu hụt này. Những công ty, cửa hàng nhỏ thì treo biển tuyển dụng trước cửa, các DN thì tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau, thông qua mạng internet, qua các trung tâm môi giới tuyển dụng, tổ chức phiên hội chợ việc làm, phát tờ rơi về các địa phương. Thậm chí, nhiều DN mời gọi, thu hút người lao động bằng cách thực hiện nhiều chính sách như: thưởng lương, trợ cấp tiền nhà trọ cho những người ở xa, mua thẻ bảo hiểm y tế...
Dịp cuối năm, nhu cầu lao động tăng đột biến.
Tuy nhiên, lý do là trong khi chi phí có giới hạn thì người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông vốn không gắn kết với bất kỳ một doanh nghiệp nào, thường có xu hướng đổ dồn về chỗ “ngon”. Nên ngoài số ít các tập đoàn, công ty lớn, thì các DN khác đành bó tay trong tuyển dụng nếu không chịu chi ra những khoản đãi ngộ đột biến.
Công ty Chế biến xuất nhập khẩu Hải Minh (Hà Nội) ký được một hợp đồng lớn cho đồ thủ công, mỹ nghệ và cần tới hơn 100 lao động. Giám đốc cho biết, ông đã phải đưa ra ưu đãi bằng lương ngày trong 1 tháng trước Tết với giá 250.000 đồng/ngày với người mới, và 300.000 đồng/ngày với thợ có tay nghề. Thậm chí người chưa biết nghề còn được đào tạo và hứa hẹn thưởng thêm doanh thu, nhận làm chính thức..., nhưng vẫn chưa thể đủ lao động. “Nếu tăng hơn nữa thì chi phí sẽ ăn cả vào khoản lãi vốn đã không lớn của công ty” - vị giám đốc cho biết.
Đặc biệt “đói” lao động là những điểm vui chơi, giải trí, dịch vụ du lịch. Để đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ - thương mại kinh doanh ngành nghề này đang phải chật vật với các khoản lương, thưởng để giữ chân nhân viên phục vụ vào thời điểm người người đi chơi. Bà T.H - quản lý nhân sự Công ty HT.Group về vui chơi giải trí cho biết: “Chúng tôi phải đưa ra cơ chế đặc biệt cho các nhân viên dịp Tết Nguyên đán. Thậm chí đã phải “thòng” vào các điều khoản hợp đồng có từ trước để ràng buộc họ. Nhưng chưa ăn thua, nhiều lao động sẵn sàng cắt lương để nghỉ chơi Tết cho thoải mái. Nên công ty liên tục phải rao tuyển người với mọi điều kiện”.
Vấn đề còn nằm ở chỗ, chưa nói tới lao động có tay nghề, mà chỉ với lao động phổ thông cũng đủ khiến các doanh nghiệp đau đầu. Tuyển dụng đã khó, rồi còn phải gấp rút đào tạo trong thời gian ngắn cũng chiếm mất nhiều kinh phí, đồng thời còn lo lắng về chất lượng lao động không đảm bảo, mất an toàn.
Còn ở những DN sản xuất, việc tuyển dụng số lượng lao động đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu chất lượng là điều không hề đơn giản. Nguồn cung lao động không ít, nhưng phần lớn là người không có tay nghề chuyên môn, mà chỉ “phát sinh” ý định kiếm tiền.
Qua đây mới thấy rằng, chính sách đãi ngộ của hầu hết các DN hiện rất kém. Rất nhiều DN nhỏ và vừa mới chỉ “ăn xổi” đối với người lao động. Cho nên khi nhận thức được điều này, phần lớn người lao động phổ thông cũng tỏ ra không mấy mặn mà và đặc biệt là thiếu gắn bó với DN. Đây là việc tạo thói quen không tốt cho lao động là không tập trung, làm nghề theo ý nghĩa kiếm tiền trước mắt, giản đơn, chứ không chuyên sâu, thiếu trách nhiệm. Họ sẵn sàng nhảy việc khi thấy nơi khác có thu nhập, đãi ngộ hấp dẫn hơn, gây ra những biến động, xáo trộn ghê gớm trong thị trường lao động.
Thực tế cho thấy các công ty, DN có đãi ngộ tử tế với nhân viên như lương thưởng hấp dẫn, bảo hiểm y tế, xã hội, nghỉ lễ, du lịch... luôn tạo được sự gắn bó lâu dài và niềm tin ở người lao động. Kể cả trong trường hợp cần tuyển dụng gấp gáp cũng dễ dàng huy động hơn nhiều. Đó cũng là bài học để nhiều DN nghiền ngẫm về chính sách sử dụng lao động của mình.
Duy Trọng