Tết Nguyên đán là ngày vui đoàn viên của mọi người, mọi nhà. Những người con xa quê muốn bày tỏ lòng kính trọng...
Tết Nguyên đán là ngày vui đoàn viên của mọi người, mọi nhà. Những người con xa quê muốn bày tỏ lòng kính trọng, hiếu thảo với người lớn trong nhà thường chọn nhân sâm làm quà với suy nghĩ sâm là bổ và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, nếu sử dụng nhân sâm sai cách không chỉ làm người dùng thêm “khổ” mà còn làm cho cả gia đình lo lắng, mất vui ngày Tết.
Bài học không thể quên
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà lại sắp đến cái Tết thứ ba chị Trần Thị H. (Yên Bái) làm dâu nhà chồng. Năm nay, H. chưa biết sẽ chọn món quà gì để biếu bố mẹ hai bên sao cho vừa túi tiền mà lại bồi bổ sức khỏe để ông bà sống lâu cùng con cháu. Ấy thế nhưng trong danh sách quà biếu H. đã lập từ cả tháng nay không hề có nhân sâm, một loại thuốc được y học cổ truyền coi là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong 4 vị thuốc quý của Đông y (sâm, nhung, quế, phụ) rất tốt cho người cao tuổi bồi bổ thể lực, tăng cường trí nhớ...
Khi chọn nhân sâm làm quà biếu, nên hiểu rõ về sức khỏe của người nhận.
Chẳng là, cách đây vừa ba năm, sau đám cưới của H. chừng hai tháng là đến Tết Giáp Ngọ. H. đã mua biếu bố mẹ chồng hộp thuốc bổ nhân sâm để ông bà bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe. Đến ngày mồng 2 Tết, bố chồng H. thấy mệt mỏi trong người bèn lấy lọ thuốc bổ nhân sâm uống với hy vọng ông có thể tham gia đi chúc Tết cùng cả nhà. Nhưng sau khi uống nhân sâm không lâu, ông có biểu hiện ú ớ, nói không rõ lời, méo một bên mặt và được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi sức khỏe bố chồng H. ổn định, mẹ chồng H. thắc mắc với bác sĩ, vì sao bà chỉ cho ông uống nhân sâm mà lại khiến ông bệnh nặng như vậy? Bác sĩ giải thích cho bà: Đối với người bình thường, sử dụng nhân sâm là tốt nhưng với người tăng huyết áp như ông thì dùng nhân sâm có thể gây tai biến mạch máu não. Mặc dù bố chồng H. may mắn được cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng đáng kể nhưng cả nhà được phen hú vía.
Vì sao nhân sâm lại gây tai biến mạch máu não?
Nhân sâm là vị thuốc bổ được sử dụng từ lâu đời, bản thân nó không gây ra tai biến mạch máu não nhưng nếu người bị tăng huyết áp sử dụng nhân sâm thì có thể gây ra hiện tượng này. TTƯT.BS. Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam giải thích, người tăng huyết áp do khí vượng, cường độ lưu thông huyết cao nên dùng nhân sâm làm huyết áp càng cao. Điều này gây cản trở dòng máu lưu thông lên não dẫn đến hiện tượng tắc mạch máu não hay tai biến mạch máu não. Một cách lý giải khác, trong sâm có một số chất có tác dụng chống phân giải chất béo, ví dụ như aspartic acid, arginine... Do đó, khi dùng sâm, quá trình tích mỡ ở một số cơ quan và thành mạch máu có thể gia tăng. Người bị tăng huyết áp hay xơ vữa động mạch dùng nhân sâm càng làm cho quá trình này diễn ra nhanh hơn tạo thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.
Người bệnh tăng huyết áp không được dùng nhân sâm.
Chọn nhân sâm làm quà - tùy thuộc từng đối tượng
TTƯT.BS. Nguyễn Xuân Hướng cho biết, trong Đông y nhân sâm đi vào được 12 kinh lạc do đó có tác dụng chữa bệnh ở các tạng phủ, đồng thời có tác dụng đại bổ nguyên khí, sinh tân dịch để sinh ra huyết, nên người cao tuổi dùng nhân sâm để bồi bổ sức khỏe là phù hợp. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được chế biến từ nhân sâm như cao sâm, chè sâm, siro, thuốc viên, tinh bột, xắt lát tẩm mật ong... rất tiện lợi khi sử dụng. Nhưng phải biết cách dùng, đúng người, đúng bệnh mới có hiệu quả.
Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí, nhân sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo đường, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn.
Bên cạnh đó, nếu bạn có ý định chọn nhân sâm làm quà biếu thì tuyệt đối tránh các trường hợp sau:
Người khỏe mạnh: Người xưa thường bảo, đang khỏe mạnh mà dùng sâm, chẳng khác gì ngôi nhà đang vững chắc lại đục tường cấy thêm cột vào để gia cố. Như vậy không chỉ vô ích mà còn khiến ngôi nhà chóng hư hỏng hơn.
Người bị tăng huyết áp: Lý do vì trong khi người bệnh phải sử dụng thuốc để hạ huyết áp thì nhân sâm lại làm tăng huyết áp khiến tim co bóp khỏe hơn, mạnh hơn, cũng có nghĩa là thuốc hạ áp không có tác dụng mà còn gây tai biến, gây tăng huyết áp kịch phát hay tăng huyết áp kháng trị.
Ngoài ra, người đang bị các bệnh thuộc thực chứng như cảm mạo, người đang bị cơn hen suyễn thuộc thể hen nhiệt, không được dùng nhân sâm.
Trẻ em cơ thể yếu, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần có thể dùng nhân sâm, song không nên quá lạm dụng vì sẽ làm cho trẻ dễ bị phát dục sớm.
Lê Thu Lương
Người bị tai biến hối hận cả đời vì không biết tin này sớm... Không còn biến chứng tiểu đường nhờ BoniDiabet Bệnh gút không còn là nỗi đáng sợ trong tôi