Hạ cholesterol, ổn định đường huyết bằng hạt methi
(Báo Khoa Học Phổ Thông số 49/10, ra ngày Thứ Sáu 17/12/2010, Mục "Sức khỏe") Tư vấn 0973393125 [email protected]
Việc sử dụng cây cỏ thiên nhiên để phòng và chữa bệnh hiện nay đang là xu hướng toàn cầu vừa ít tốn kém mà hiệu quả cũng không phải nhỏ. Hạt methi có thể giúp giảm nồng độ đường và cholesterol trong máu.
Giảm cholesterol
Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ hạt methi giúp giảm mức cholesterol trong máu. Một nghiên cứu tại Medical College (Ấn Độ) đã tiến hành đo nồng độ cholesterol trong máu của 60 người (không dùng bất cứ thuốc hạ cholesterol nào). Sau đó, những người tham gia chỉ được ăn một chén xúp có chứa khoảng 20 g hạt methi trước hai bữa ăn trưa và ăn tối hàng ngày. Sau 4 tuần tiêu thụ đã thấy mức cholesterol của họ bắt đầu giảm với tỷ lệ được ghi nhận 14%. Điều này chính là do hạt methi làm giảm mức độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) một cách đáng kể. Hạt methi còn chứa 25% galactomannan, đây là một loại chất xơ hòa tan tự nhiên, nhờ đó ăn hạt methi mỗi ngày còn giúp ngăn chặn các bệnh tim mạch, huyết áp, cải thiện hệ tuần hoàn.
Hạ thấp glucose trong máu
Những người bị bệnh tiểu đường type 2, nếu mỗi ngày dùng 20 - 25 g hạt methi sẽ giúp hạ thấp lượng glucose trong máu. Theo một nghiên cứu từ các chuyên gia Ấn Độ khi họ cho thêm hạt methi vào khẩu phần ăn của các bệnh nhân thuộc tiểu đường type 1, sau đó ghi nhận đường trong nước tiểu đã giảm được 54%. Kết quả này có được chính nhờ hai chất, một là galactomannan giúp làm chậm tốc độ hấp thu đường vào máu, hai là acid amin 4-hydroxyisoleucin kích thích sự tiết insulin nhờ đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Như vậy hạt methi rất hữu ích cho cả hai nhóm tiểu đường type 1 và 2.
Ngoài các kết quả nghiên cứu trên, hạt methi còn có tác dụng tốt trên hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ bài tiết, phòng ngừa chứng ung thư ruột kết, giúp phụ nữ có thai dễ sinh, tăng tiết sữa, bảo vệ da và tóc, điều kinh, giảm các triệu chứng nóng bừng mặt, bứt rứt và đau rát âm đạo ở giai đoạn tiền mãn kinh.
Cách dùng
Cách dùng rất đơn giản, mỗi ngày khoảng 15 - 20 g hạt, rang hạt cho thơm, tán thành bột, pha nước uống, hoặc lấy hạt sống chưa rang, ngâm trong ly có chứa 200 ml nước lạnh, để qua một đêm cho hạt nở ra, sáng dậy uống hết nước trong ly, bỏ xác. Hạt có mùi thơm như vị rau cần tây, dễ uống. Hạt methi được xếp vào nhóm gia vị nên không có độc tính, tuy nhiên nếu dùng quá liều sẽ có cảm giác khó chịu ở bụng, dạ dày, phụ nữ có thai gần đến ngày sinh không nên dùng vì có thể gây sẩy thai.
Hiện nay, loại hạt này được bán ở cửa hàng thực phẩm tại nhiều nước trên thế giới (ảnh), ở nước ta cũng có trồng nhưng chưa thu hoạch được nhiều, chủ yếu là nhập từ Ấn Độ.
Thông tin về cholesterol
Cholesterol là thành phần cấu tạo chủ yếu của màng tế bào, sợi thần kinh và nhiều nội tiết tố trong cơ thể. Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, gan cũng phải dùng cholesterol sản xuất ra mật phục vụ hoạt động tiêu hóa. Cholesterol vào cơ thể từ những thức ăn hàng ngày có trong thịt mỡ, trứng, bơ, pho mát... chiếm 20% nhu cầu cholesterol trong cơ thể. Bên cạnh đó cholesterol do gan tạo ra chiếm 80%. Gan có khả năng tổng hợp cholesterol từ những chất khác như đường, bột, đạm. Có thể nói cơ thể con người không thể tồn tại nếu không có cholesterol, nhưng sự gia tăng quá mức của cholesterol và đường trong máu lại chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, và nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm khác.
Nồng độ cholesterol trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình vữa xơ động mạch và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim, não bộ và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi cơ tim gây ra cơn đau thắt ngực. Nếu một cục máu đông hình thành trong một động mạch bị tắc nghẽn có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột tử, các kết quả nghiên cứu cho thấy 97% cơn đau tim có nguyên nhân do xơ vữa động mạch. Nếu đó là động mạch dẫn lên não thì một cơn đột quỵ, tai biến mạch máu não có thể xảy ra, còn nếu động mạch dẫn đến thận sẽ dẫn đến chứng tăng huyết áp do thận.
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nếu làm giảm lượng cholesterol thừa trong máu sẽ giúp giảm hơn 30% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (nhiều nguy cơ từ chế độ dinh dưỡng ít rau, nhiều đạm, thịt...). Các loài thảo dược và thực phẩm thiên nhiên có tác dụng làm giảm lượng cholesterol có hại và làm tăng lượng cholesterol có lợi trong máu là các loại rau, củ, quả, hạt là các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan (có khả năng làm giảm sự hấp thu cholesterol qua màng ruột). Trong các loại thực phẩm này có thể kể đến hạt methi. Trong những năm gần đây nhiều nước trên thế giới bắt đầu biết sử dụng hạt methi (một loại hạt được thu hoạch từ cây cỏ cà ri, fenugreek seeds) như một loại gia vị dùng chế biến trong các bữa ăn hàng ngày nhưng mục đích chính là để phòng và chữa bệnh mặc dù nó đã được sử dụng hàng nhiều thế kỷ qua tại các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan…
Nghiên cứu cho thấy trong hạt methi có chứa rất nhiều nhóm hoạt chất rất hữu ích cho sức khỏe như protein, khoáng tố 3% gồm sắt, calci, phosphor, magnesium, kali, natri, kẽm, đồng, mangan, vitamin C, acid folic, vitamin nhóm B như thiamin, riboflavin, niacin, và nhiều chất xơ, chất nhày. Trong hạt còn có các alcaloid như trigonellin, cholin, saponin, chất dầu, flavonoid...
PGS. TS. PHẠM HUY HÙNG (Đại học y dược TP.HCM)